‘Trái ngọt’ từ CPTPP
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) tăng trong thời gian vừa qua. Đó là dấu hiệu cho thấy, chúng ta đã có thể thu “trái ngọt” khi CPTPP được thực thi.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP trong tháng 7/2021 đạt 7,9 tỷ USD, tăng 0,51% so với tháng 6/2021 và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP1 tháng 7/2021 đạt 7,9 tỷ USD, tăng 0,51% so với tháng 6/2021 và tăng 22,16% so với tháng 7/2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 13,86% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với tỷ trọng 14,71% của 7 tháng năm 2020. Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP trong tháng 7/2021 đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,79% so với tháng 6/2021 và tăng 21,64% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 26,04 tỷ USD, tăng 22,52% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nếu như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia… giảm thì xuất khẩu sang các thị trường Chile, Peru, Úc… lại tăng khá. So với tháng 7/2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 10 thị trường thành viên CPTPP đều tăng trưởng cao.
Những dữ liệu nói trên là minh chứng cho thấy CPTPP thực thi đã tạo động lực lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà. Bất chấp Covid-19 hoành hành, hàng hóa của chúng ta sang thị trường các nước thành viên trong CPTPP vẫn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lưu ý cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam về những thách thức khi tham gia Hiệp định này.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với việc tham gia CPTPP, nền kinh tế nước nhà sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, bởi hàng hóa của 10 nước còn lại, nhất là những sản phẩm công nghệ cao của các nước Nhật Bản, Australia, Canada sẽ tràn vào Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh, song ở một số ngành nghề, sản phẩm hàng hóa như ngành nông sản có sức cạnh tranh thấp khi mà giá thành sản phẩm cao hơn các nước thành viên CPTPP. Thực tế cho thấy, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là nguyên nhân dẫn đến sức cạnh tranh các sản phẩm nông sản bị sụt giảm. Rõ ràng đây là thách thức mà chúng ta đã và đang đối diện.
Bên cạnh đó, việc nhiều mặt hàng như da giày, dệt may vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cũng sẽ làm giảm lợi thế của các DN Việt, do quy định nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP. Theo TS Thành, trên thực tế, dệt may được cho là ngành có lợi thế, nhưng nguyên liệu thường không đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ. Thách thức này đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải sớm chuyển đổi để không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước không thuộc khối CPTPP.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018 bao gồm Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Peru, Mexico, Chile. Hiệp định CPTPP hiện đang bao phủ thị trường 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do hấp dẫn. Gần đây, Vương quốc Anh và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.