Đồng Nai: Gần 1,2 tỉ đồng ủng hộ chương trình ‘sóng và điện thoại cho em’ tại huyện Xuân Lộc

Mạnh Thìn 21/09/2021 14:00

Từ khi chương trình “Sóng và điện thoại cho em” được phát động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài huyện Xuân Lộc đã ủng hộ gần 1,2 tỉ đồng trang thiết bị phục vụ học trực tuyến cho học sinh khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên (áo hồng, ở giữa) trao tặng thiết bị học tập cho các em học sinh nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên (áo hồng, ở giữa) trao tặng thiết bị học tập cho các em học sinh nghèo.

Cụ thể, Tập đoàn Sun Group đã hỗ trợ 330 điện thoại thông minh Vmart Bee Lite 2 với tổng trị giá trên 450 triệu đồng. Cùng với đó, Công an huyện Xuân Lộc cũng đã vận động và hỗ trợ 110 máy tính bảng, smart phone cho các em học sinh là con em của cán bộ, chiến sĩ, dân phòng, bảo vệ dân phố, đội ngũ y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, toàn huyện hiện còn gần 3.100 học sinh thuộc 2 cấp học chưa có thiết bị điện tử thông minh để học trực tuyến, trong đó, có gần 1.400 học sinh là con em thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.685 học sinh có thiết bị nhưng đã hư hỏng, gia đình không đủ điều kiện để mua mới hoặc sửa chữa. Đa phần các em phải tự học theo hình thức giáo viên giao bài tại nhà nên rất khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức.

Cũng theo bà Tiên, mặc dù Xuân Lộc là địa phương “vùng xanh” của tỉnh nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc học sinh trở lại trường học tập trung là chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, học trực tuyến vẫn là giải pháp tối ưu, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đáp ứng được cơ bản việc truyền tải kiến thức cho học sinh. “Xuân Lộc là huyện khó khăn của tỉnh vì vậy rất mong các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cùng chung tay với chính quyền địa phương chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trước mắt cần nhất là các trang thiết bị phục vụ học trực tuyến”, bà Tiên nói.

Mạnh Thìn