Đi đường vòng vào đại học
Mùa thi đại học (ĐH) 2021 ghi nhận không hiếm trường hợp 27 điểm, trượt tất cả nguyện vọng. Thậm chí, 30 điểm cũng chưa chắc đã đỗ ĐH. Các chuyên gia đưa lời khuyên, nếu thực sự yêu thích một ngành học, thí sinh có thể chọn con đường khác: Học cao đẳng (CĐ) sau đó liên thông lên ĐH.
Cộng đồng mạng những ngày này xôn xao vì chia sẻ của một thí sinh đến từ Bắc Giang đạt 27 điểm thi khối C00 nhưng không đỗ vào 4 nguyện vọng đầu tiên đều liên quan đến ngành Luật. Hiện em đã chọn nhập học vào ngành Sư phạm Địa lí của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một nguyện vọng theo em là điền thêm để an tâm với việc đỗ ĐH. Thí sinh này chia sẻ em sẽ tìm hiểu xem mình có phù hợp với ngành hay không. Trong trường hợp bản thân cảm thấy không hợp, em vẫn sẵn sàng thi lại ĐH để theo đuổi ngành Luật như mong muốn.
Trên thực tế, với những ngành có điểm chuẩn “cao bền vững” như khối y dược, khối công an, quân đội, có những thí sinh thi đến lần thứ 3, thứ 4 hoặc nhiều hơn mới đỗ không phải là câu chuyện hiếm. Bên cạnh niềm say mê, yêu thích với ngành học đó nên quyết tâm theo đuổi đến cùng, nhiều người cũng đặt câu hỏi nếu như năng lực có hạn thì thí sinh có nên bỏ ra 3-4 năm trời để chỉ học, ôn thi, đi thi và chờ kết quả mà đôi khi có phần may rủi hay nên chọn con đường khác để đi?
Ông Hồ Văn Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dược phẩm ECO cho rằng trong ngành y dược, với những em có học lực thấp mà yêu thích ngành này thì không nên cố thi vào ĐH, thi năm này qua năm khác vẫn không đạt thì lãng phí thời gian. Một hướng đi cho những em này đó là học trung cấp, cao đẳng rồi sau khi đi làm, có kinh nghiệm và điều kiện có thể học liên thông lên ĐH.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng trong khối ngành y dược, có rất nhiều vị trí việc làm nên mỗi thí sinh có thể căn cứ vào năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân để chọn ngành học phù hợp. Nhất là trong điều kiện học phí khối ngành đào tạo y dược nhiều trường đã tăng rất cao nên chi phí để theo đuổi ngành học này trong 5, 6 năm trời cũng cần được thí sinh tính tới. Trong khi đó, nếu học trung cấp hay CĐ, thời gian ngắn là ra làm việc được ngay, có kinh tế. Khi đó, các em vừa có thêm trải nghiệm thực tế công việc, vừa đào tạo liên thông thì sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều so với việc trầy trật thi ĐH nhưng không đỗ, nản chí…
Tuy nhiên, bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi sự đam mê và tính phù hợp. Cánh cửa liên thông lên ĐH hiện nay hoàn toàn rộng mở với tất cả các thí sinh có bằng cấp phù hợp, đúng hoặc gần với chuyên ngành ở bậc ĐH. Bên cạnh việc có nhiều địa chỉ học liên thông uy tín, bằng cấp được công nhận như học ĐH thì hình thức đào tạo liên thông cũng linh hoạt như đào tạo chính quy, đào tạo từ xa, hệ vừa học vừa làm… để phù hợp với tất cả các thí sinh có nguyện vọng theo đuổi việc học ở bậc học cao hơn.
Việc chọn cho mình một ngành nghề phù hợp sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là câu hỏi nên xét tuyển ĐH hay CĐ. ĐH không phải là con đường duy nhất để thăng tiến và thành công - câu nói muôn thuở luôn được lặp lại trong mỗi mùa thi nhưng dường như vẫn chưa được nhiều thí sinh quan tâm. Chúng tôi dẫn lại một câu nói của TS Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia giáo dục độc lập chia sẻ với những thí sinh vừa gặp thất bại đầu đời mang tên “trượt ĐH” hoặc đỗ vào trường ĐH chưa được như mong muốn: Kết quả hôm nay và tên trường ĐH không phải là tấm giấy thông hành chắc nịch cho các em trên đường tương lai.