Nhiều phụ huynh đã chủ động tham gia bảo hiểm y tế cho con
Đây là đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc triển khai chính sách Bảo hiểm y tế ( BHYT) học sinh sinh viên (HSSV). Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm, số lượng học sinh sinh viên đi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là hơn 2 triệu bệnh nhân với chi phí KCB BHYT là 1.398,31 tỷ đồng.
10 HSSV được chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh BHYT
Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân, trong đó học sinh, sinh viên (HSSV) đã được quy định thống nhất, mang tính bắt buộc. Việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà còn thể hiện trách nhiệm của HSSV đối với cộng đồng và đối với xã hội. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho hơn 2 triệu HSSV, trong số này có nhiều trường hợp được BHYT chi trả cho số tiền lớn từ 100 đến 500 triệu đồng/lượt khám.
Cụ thể theo BHXH Việt Nam, nhóm HSSV có chi phí KCB BHYT lớn từ 100-200 triệu đồng có 4 bệnh nhân/13 lượt KCB với chi phí KCB BHYT 442 triệu đồng. Chi phí từ trên 200 triệu đồng 1 bệnh nhân/1 lượt KCB với chi phí KCB BHYT 523 triệu đồng.
Trường hợp 1: Bệnh nhân có mã thẻ HS4797935403XXX, điều trị nội trú 01 lượt tại Bệnh viện Nhi đồng I (thành phố Hồ Chí Minh) với chẩn đoán “Bỏng nhiều vùng, ít nhất có một vùng bỏng độ ba”, chi phí KCB BHYT 523,01 triệu đồng, trong đó: tiền thuốc là 383,99 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật là 66,42 triệu đồng; tiền xét nghiệm là 26,56 triệu đồng; tiền giường là 18,89 triệu đồng; tiền máu là 15,48 triệu đồng, tiền vật tư y tế là 11,14 triệu đồng.
Trường hợp 2: Bệnh nhân có mã thẻ HS4797932798XXX, điều trị ngoại trú, nội trú 09 lượt tại Bệnh viện Nhi đồng I (thành phố Hồ Chí Minh) với chẩn đoán “Hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng” với chi phí KCB BHYT là 127,94 triệu đồng, trong đó: tiền thuốc là 69,51 triệu đồng; tiền xét nghiệm là 20,33 triệu đồng; tiền giường là 19,05 triệu đồng; tiền vật tư y tế là 8,63 triệu đồng; tiền máu là 5,08 triệu đồng, tiền chẩn đoán hình ảnh là 4,23 triệu đồng.
Trước đó, trong năm 2020 số lượng HSSV đi KCB BHYT là 3.331.645 bệnh nhân với 6.863.366 lượt KCB, chi phí KCB được quỹ BHYT chi trả (viết tắt là chi phí KCB BHYT) là 2.296,11 tỷ đồng (trong đó: KCB ngoại trú là 2.833.011 bệnh nhân/6.275.835 lượt KCB với chi phí 935,32 tỷ đồng; điều trị nội trú là 498.634 bệnh nhân/587.531 lượt KCB với chi phí 1.360,79 tỷ đồng).
Trong đó chi phí từ trên 500 triệu đồng trở lên có 10 bệnh nhân/30 lượt KCB với chi phí KCB BHYT 6,05 tỷ đồng.
Nỗ lực đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT
Năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song số HSSV tham gia BHYT là hơn 18 triệu HSSV, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020. Trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm HSSV và 3,5 triệu HSSV tham gia theo nhóm khác (như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...).
Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao.
Nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mạn tính, cần điều trị với chi phí KCB lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh, để chăm sóc sức khỏe cho con em khi cần, hoặc xác định rõ đóng vào quỹ BHYT hơn 560.000 đồng/năm để cùng chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Nhìn vào kết quả thực hiện công tác KCB BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch,… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV, tiếp thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được KCB, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại trường học.
Năm học 2021-2022, trong bối cảnh với dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu phấn đấu để tất cả HSSV tham gia BHYT và được thụ hưởng các quyền lợi và lợi ích chính đáng từ chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu đó, BHXH Việt Nam rất cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các bậc phụ huynh và các em HSSV.