Nuôi dưỡng mầm thiện
Hầu hết các vụ bạo lực học đường có một điểm chung là học trò đánh nhau đến mức nhập viện rồi nhà trường và gia đình mới biết. Những vụ đánh nhau ngoài nhà trường, các thầy cô khó kiểm soát đã đành, nhưng học trò đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học, dẫn đến chết người thì vấn nạn bạo lực học đường đã đến mức báo động đỏ.
Năm học trước, sau vụ việc học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị các bạn cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng, một hồi chuông báo động đã được gióng lên. Thời điểm xảy ra vụ việc này, nhiều người đã đề cập tới trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lí giáo dục học sinh; về việc nắm bắt được thông tin kịp thời về học sinh của mình sẽ giúp giáo viên ngăn chặn những vụ ẩu đả đáng tiếc xảy ra…
Rồi nhiều hội thảo bàn giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, cùng sự vào cuộc của gia đình- nhà trường – xã hội cũng được tổ chức ngay sau đó. Nhưng trên thực tế, bạo lực học đường vẫn tái diễn. Nhìn rộng ra, thực trạng này đã cho thấy người lớn đang lúng túng trong việc ngăn ngừa bạo lực học đường.
Nguyên nhân của bạo lực học đường phần lớn là do tâm lý tuổi vị thành niên, chưa biết cách giải quyết mâu thuẫn và không có được những lời khuyên tích cực đúng lúc. Các vấn đề các em thường gặp phải là mặc cảm, bị xúc phạm, xung đột với bạn bè, tình yêu, học tập...
Các chuyên gia tâm lý học chỉ ra, mầm thiện được nuôi dưỡng ngay từ trong môi trường gia đình, người lớn là tấm gương của con trẻ. Mọi cá tính của học sinh đều cần được tôn trọng, yêu thương. Bởi mỗi em đến từ những gia đình khác nhau, nên ở học đường, suy nghĩ của mỗi học sinh cũng khác nhau. Nếu khéo kết hợp giữa nội qui trường học với tình thương, lòng trắc ẩn từ thầy cô giáo, hẳn học trò sẽ ngày 1, ngày 2 thay đổi, xung đột tuổi mới lớn sẽ được hạn chế.
Đáng tiếc, người lớn đôi lúc quá nguyên tắc hoặc quá vô tâm. Thành thử mầm thiện bị cái ác xâm lấn. Ác hơn thế, khi bạn đánh nhau, cả hội đứng xem rồi quay clip để tung mạng xã hội mà không có ai căn ngăn. Có 2 cái ác được chỉ ra trong 1 hành vi quay clip, thứ nhất là người vô cảm với nỗi đau thể xác bạn đang chịu đựng; thứ 2 quay clip tung mạng xã hội để cổ vũ cho hành vi bạo lực ấy.
Làm thế nào để ngăn chặn được bạo lực học đường? Nếu dồn hết trách nhiệm lên giáo viên chủ nhiệm/nhà trường, e sẽ là quá tải và thực sự không công bằng. Trong khi có những phụ huynh hiện không biết con mình đang học lớp mấy, ở trường nào; thậm chí có phụ huynh còn ngồi họp nhầm lớp… Thế chân kiềng gia đình- nhà trường - xã hội được đề cập nhiều, nhưng sự liên kết lại chưa thực sự khăng khít, chưa được bao nhiêu.
Đã có không ít học sinh “khủng hoảng” bởi vô số áp lực từ gia đình, học hành, giới tính, tình cảm rồi những mối nguy từ căn bệnh nghiện game online, nghiện mạng xã hội... Bọn trẻ cần hơn bao giờ hết một chỗ dựa tin cậy, am hiểu và có thể giúp các em tháo gỡ dần những vướng mắc, xoa dịu những bất ổn tâm lý và định hướng con đường đi đúng đắn. Phòng tư vấn tâm lý học đường mở ra cho có, nhưng lại đang đóng cửa im ỉm, hoặc hoạt động cầm chừng, khiến trẻ không có nơi giải tỏa tâm lý…
Để chặn cái ác ngay từ khi nó manh nha tiềm ẩn, rất cần sự thấu hiếu và vào cuộc ráo riết của những người gần trẻ nhất. Ngăn chặn nạn bạo lực học đường cần phải coi là nhiệm vụ cấp thiết, đừng chỉ là chuyện hội thảo, nói suông…