Nước Mỹ với khởi động mới
Việc nước Mỹ cho phép du khách một số nước và khu vực được nhập cảnh trở lại đã giúp cho nhiều gia đình bị ly tán có được niềm vui đoàn tụ, nhiều lao động nước ngoài lại có cơ hội tìm kiếm việc làm và giải tỏa sự “đóng băng” của nhiều doanh nghiệp du lịch.
Quyết định được hoan nghênh
Ngày 21/9, Nhà Trắng chính thức thông báo, từ tháng 11 tới sẽ mở cửa trở lại cho hành khách đi máy bay từ Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và một số quốc gia châu Âu khác, nếu đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.
Quyết định này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Liên minh châu Âu (EU) và lãnh đạo cấp cao của nhiều nước.
Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, quyết định của Mỹ là “một động thái được mong đợi từ lâu đối với các gia đình và bạn bè bị chia cách, cũng như tin tốt lành cho doanh nghiệp”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang ở thăm Mỹ đã viết trên mạng xã hội rằng, ông “vui mừng” và hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng “đây là một sự thúc đẩy tuyệt vời cho doanh nghiệp và thương mại, cũng như tin vui cho gia đình và bạn bè ở hai bờ (Đại Tây Dương) có thể được đoàn tụ”.
Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh kế hoạch của Mỹ, cho rằng đây là một thông tin tích cực cho doanh nghiệp cũng như mối quan hệ Mỹ-châu Âu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng hàng không Air France-KLM Benjamin Smith cho rằng, quyết định của Washington là một thông tin tốt lành, đồng thời khẳng định hãng sẽ gia tăng công suất để đáp ứng nhu cầu.
Niềm vui đoàn tụ
Đối với cô Katie Wait - một phụ nữ người Anh, có bố, mẹ và anh trai đang định cư ở Mỹ - dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm rưỡi qua chính là khoảng thời gian xa cách với đại gia đình của cô ở Florida. Các dịp sinh nhật, các cột mốc kỷ niệm khác nhau bị bỏ lỡ. Thời gian bên nhau đã mất.
“Đó là một năm thử thách về mặt tinh thần và cảm xúc, khi bạn thực sự muốn có gia đình ở bên”- cô Wait nói trong nước mắt. “Thật là khó để vượt qua”.
Đây chính là lý do mà cô Wait là một trong nhiều người trên khắp châu Âu và thế giới vui mừng khi chính quyền của Tổng thống Biden thông báo lệnh cấm đi lại trong 18 tháng từ 33 quốc gia sẽ được dỡ bỏ.
Nhiều tháng trôi qua, hàng nghìn người từng bị chia cắt với các thành viên trong gia đình và bạn đời đã trò chuyện trực tuyến. Cô Wait nhận thấy sự hỗ trợ từ hình thức trò chuyện này rất quan trọng khi những người thân không được ở gần nhau. Giờ đây, quyết định mở cửa đã được đưa ra, cô Wait đã có thể đặt vé máy bay để gặp bố mẹ mình vào tháng 11.
Cũng tương tự, ông Alejandro Gaebelt, một giám đốc bán hàng người Tây Ban Nha sống ở Madrid, cho biết, quyết định thay đổi các quy tắc đi lại của chính quyền Tổng thống Biden là một sự thay đổi tích cực, tuy nhiên nó đến quá muộn.
Em gái của ông Gaebelt sống ở Mỹ, ông đã có kế hoạch đi du lịch cùng vợ và hai con để thăm cô ấy vào mùa hè này, nhưng lệnh cấm khiến kế hoạch của họ không thể thực hiện được. “Chúng tôi đã đánh mất một chuyến đi tuyệt vời dành cho gia đình mình”- ông Gaebelt nói.
Bên cạnh đó, khi lệnh cấm đi lại được ban hành, một số người đã tìm cách đi đến một nước thứ ba để lách luật, thường là tốn kém hoặc nguy hiểm. Khi vợ cũ qua đời tại Italia vào tháng 6/2020, ông Francesco Sacca, 44 tuổi, một doanh nhân người Italia sống ở Florida, đã ngay lập tức bay về nước. Nhưng ông và các con của ông đã bị vướng vào lệnh cấm đi lại.
Họ đã tìm cách bay đến Costa Rica, dành hai tuần ở đó và sau đó nhập cảnh vào Mỹ, nhưng trong những tháng sau đó, ông Sacca đã phải đi lại nhiều lần trở về Italia để làm các thủ tục liên quan đến cái chết của vợ cũ. Mỗi lần, để trở lại Mỹ, ông lại phải dành hai tuần ở Colombia hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hoặc Qatar, với tổng chi phí là 80.000 euro, tương đương 93.000 USD.
Nhưng điều khiến ông Sacca lo lắng nhất là việc để các con một mình ở Florida. “Mỗi buổi sáng, nghĩ về con gái 15 tuổi phải đến bến xe buýt một mình bằng chiếc xe đạp trong bóng tối, tôi lại thấy vô cùng lo lắng”- ông Sacca nói.
Chấm dứt chuỗi ngày bấp bênh vì mất việc
Bên cạnh việc trở thành một sự bất tiện về mặt khoảng cách đối với những người thân trong gia đình như cô Wait và vô số người khác, lệnh cấm đi lại còn làm tiêu tan việc làm, mất các cơ hội và đặt một bức tường cố định giữa họ và gia đình hoặc đối tác.
Việc tìm kiếm tin tức về thời điểm lệnh cấm nhập cảnh sẽ được dỡ bỏ đã trở thành một “nghi thức” hàng ngày đối với một số người, nhất là khi nó giúp họ có thể an tâm lên kế hoạch làm việc một cách chắc chắn.
Đối với Lucrezia Tassi, 24 tuổi, một người Italia đến từ Caravaggio, một thị trấn gần thành phố phía Bắc Bergamo, đó không phải là vấn đề về gia đình mà là việc cô không thể lên kế hoạch làm việc khi thông báo chính thức về việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại chưa được công bố. Cô Tassi phải tạm dừng kế hoạch trở thành bảo mẫu cho một gia đình ở Seattle trong hơn một năm vì lệnh cấm.
Lucia Vidal, 33 tuổi, một người Italia đã làm bảo mẫu ở Washington trong 7 năm, bị mất việc sau khi mắc kẹt ở Italia khi quay về đây để gia hạn thị thực đúng lúc chính quyền cựu Tổng thống Trump thông báo lệnh cấm và đã không thể trở lại.
Sau khi mắc kẹt ở Italia hơn một năm, Vidal đã bị sa thải, giờ đây cô ấy thậm chí đã không thể trở lại Mỹ chỉ để thu dọn đồ đạc của mình.
“Đó là 10 năm sống ở Mỹ. Tôi đã luôn đóng thuế, bạn bè của tôi ở đó. Mất việc là một nỗi mất mát lớn của tôi”- cô Vidal nói.
Tương tự, cô Elide Vincenti, 30 tuổi, đã không thể bắt đầu công việc ở Miami vì cô cũng đã trở lại Italia để xin thị thực khi lệnh cấm đi lại được công bố. Cô đã bị chặn không cho đến thăm bạn trai ở New York trong hơn một năm. Những người bạn của cô ở Miami đã chuyển đồ đạc của cô vào một kho chứa đồ, nhưng vì cô không thể thu dọn chúng trong nhiều thángvà chúng đã bị vứt bỏ. “Giờ nếu trở lại Mỹ, tôi không còn gì nữa”- cô nói.
Riêng về du lịch, năm 2020 ghi nhận sự tụt giảm hành khách và du khách từ Anh sang Mỹ ở mức độ chưa từng có vì dịch Covid và các hạn chế đi lại. Mỗi tuần, lệnh cấm bay và nhập cảnh với Anh, EU và Canada có hiệu lực làm kinh tế Mỹ mất đi 1,5 tỷ USD, đó là khoản tiền có thể duy trì 10 nghìn việc làm của người Mỹ.