Lo giá tiêu dùng ‘neo’ cao

THANH GIANG 23/09/2021 07:07

Những ngày gần đây, hoạt động giao thông có phần được nới lỏng hơn trước, hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM cũng nhiều hơn. Thế nhưng, giá cả hàng hóa, thực phẩm vẫn “neo” cao. Thậm chí mỗi nơi một giá…

Nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn giữ giá cao

Tại các chợ trực tuyến, giá các loại rau củ quả, cá thịt vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Điển hình, rau xà lách được các nhóm dân cư mạng rao bán 60.000 đồng/kg, đậu co ve 45.000 đồng/kg, chuối sứ 30.000 đồng/kg, ổi nữ hoàng 35.000 đồng/kg, nhãn Thái 40.000 đồng/kg, xoài có giá từ 45.000 – 55.000 đồng/kg. Mặt hàng cá biển dao động từ 120.000 – 300.000 đồng/kg, tùy loại; gà ta Bến Tre, gà ta Bình Định, Quảng Ngãi có giá từ 140.000 – 160.000 đồng/kg... Tương tự, tại thị trường truyền thống giá hàng hóa cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lý giải về tình trạng trên, nhiều chủ cửa hàng bán lẻ khẳng định, do hàng hóa khan hiếm, đi lại khó khăn nên mặt hàng gì cũng tăng giá. Với kinh nghiệm chạy xe đường dài từ TP HCM ra Quảng Ngãi nhiều năm, ông Trần Trung, một tài xế xe tải ở TP HCM cho biết, từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, giá cả hàng hóa chưa có lúc nào hạ nhiệt.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) chia sẻ: “Do giãn cách xã hội, người dân vẫn chưa được đi chợ, siêu thị nên giá hàng hóa ở các điểm bán tự phát và chợ trực tuyến tăng cao. Trong khi đó, các gói “đi chợ hộ” thì có nhiều sản phẩm không cần dùng, do đó tôi vẫn chủ yếu mua hàng trên “chợ mạng” hoặc các điểm tự phát cho tiện”.

Cầm 2 trái dứa trên tay, bà Nguyễn Xuân Thúy (đường Nguyễn Duy Trinh, Thủ Đức) lắc đầu ngao ngán: “Ngày thường chỉ 12.000 – 15.000 đồng/trái. Giờ dịch bệnh giá lên đến 45.000 đồng/2 trái”. Một số bà nội trợ cho biết, trước đây mua chục cái bánh bột lọc gói lá chỉ 25.000 đồng nhưng kể từ thời điểm giãn cách vì dịch bệnh nhiều nơi bán 30.000 – 35.000 đồng/10 bánh bột lọc với lý do mua tôm, thịt khó, giá cao.

Hầu hết người dân TP HCM mong đợi thành phố nới lỏng giãn cách để sinh hoạt hàng ngày thuận lợi hơn. Đặc biệt, hệ thống chợ truyền thống hoạt động trở lại để giá cả hàng hóa có thể hạ nhiệt, quay trở lại ổn định như khi chưa có dịch.

Hy vọng giá cả sớm hạ nhiệt

Giá thị trường thực tế là như vậy, tuy nhiên, theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương, giá hàng hóa ở thành phố tương đối ổn định và không quá cao so với các tỉnh đầu mối cung cấp. Lãnh đạo Sở Công Thương dẫn chứng, rau cải ngọt của Bách Hóa Xanh ở TP HCM 23.000 đồng/kg, Đồng Nai 16.000 đồng/kg, Tiền Giang 14.100 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg. Rau dền ở TP HCM 23.000 đồng/kg; Đồng Nai 18.500 đồng/kg, Tiền Giang 18.500 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg...

“Người dân đăng ký mua hàng ở các hệ thống phân phối lớn sẽ có giá cả phù hợp hơn. Với việc đội ngũ giao hàng hoạt động trở lại với số lượng lớn, được chạy liên quận thì năng lực cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối sẽ được tăng cường”, ông Phương cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, Sở cũng tổ chức thanh kiểm tra, trường hợp phát hiện có dấu hiệu trục lợi, nâng giá không đúng, người dân có thể thông tin tới Sở Công Thương hoặc cơ quan Quản lý thị trường để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời”. Liên quan đến vấn đề “ghìm cương” giá cả hàng hóa thực phẩm, ông Phương cho rằng, giải pháp tốt nhất để hạ nhiệt giá cả hàng hóa chính là làm sao để đưa được hàng hóa về nhiều nhất, các hệ thống phân phối được mở lại nhiều nhất.

“Đến thời điểm hiện tại, hệ thống chợ ở các địa phương bắt đầu từng bước mở cửa để cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm. Khi mạng lưới phân phối truyền thống mở rộng, cùng với lượng hàng hóa được đưa về điểm tập kết trung chuyển hàng tại ba chợ đầu mối nhiều hơn thì giá cả sẽ từng bước giảm nhiệt”, ông Phương nhấn mạnh.

Nhằm cung ứng đầy đủ, phong phú mặt hàng cho thị trường tiêu dùng thành phố, đồng thời hạ giá thực phẩm, mới đây, TP HCM quyết định mở điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa ở 3 chợ đầu mối lớn. Các điểm tập kết này sẽ cung cấp lượng lớn hàng cho siêu thị và các chợ truyền thống. Theo Sở Công thương TP HCM, tính đến nay, cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đều đưa vào hoạt động điểm trung chuyển với sản lượng trên dưới 200 tấn hàng hóa các loại/ngày.

THANH GIANG