Ngành văn hoá, thể thao và du lịch: Tìm cơ hội với chuyển đổi số
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức diễn đàn “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành văn hoá, thể thao và du lịch”.
Với bốn khâu đột phá “Thể chế - Thiết chế - Nguồn nhân lực - Chuyển đổi số”, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đang đứng trước những cơ hội. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số lại đang là một thách thức không nhỏ với toàn ngành...
Vượt lên trong khó khăn
Trước bối cảnh dịch Covid-19, nhìn chung toàn ngành đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, nhiều bảo tàng, di tích tự chủ không có nguồn thu; hệ thống thư viện cả nước dừng phục vụ tại chỗ hoặc tạm thời đóng trụ sở; doanh thu ngành điện ảnh giảm mạnh; các hoạt động lễ hội, triển lãm gần như “đóng băng”...
Dẫn chứng về thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, đại dịch Covid-19 đã vượt quá mức độ của một cuộc khủng hoảng truyền thống. Gần 2 năm qua, nó đã gây ra biết bao khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn là lĩnh vực đặc thù. Những khó khăn này dường như không chỉ phản ánh qua tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp, trung tâm văn hóa nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng... Nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên... bị cắt giảm lương. Một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương.
Tuy nhiên, trong thời gian qua thông qua nền tảng công nghệ số, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể thao đã có sự thay đổi trong cách thức tổ chức mang đến “liều vaccine tinh thần” phục vụ, cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch.
Một số bảo tàng trên cả nước đã đổi mới sáng tạo hình thức hoạt động phục vụ khách tham quan từ xa, nổi bật với chương trình tham quan thực tế ảo 3D; trưng bày trực tuyến... Hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyển đổi hình thức biểu diễn trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội, phát triển mô hình hoạt động biểu diễn “Nhà hát online”.
Các chương trình nghệ thuật với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, “Ở nhà cùng vui” được phát trực tiếp trên Youtube đã tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và mang đến món ăn tinh thần phục vụ khán giả. Ngành du lịch cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển hình thức du lịch trực tuyến (online). Hà Nội, Quảng Bình… thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu…
Đầu tư phát triển công nghệ
Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhìn nhận, toàn ngành hiện đang đứng trước vô vàn những thách thức, đặc biệt là trong việc chuyển đổi số. Đơn cử như sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ sản xuất, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ trong điện ảnh trên nền tảng công nghệ số là xu hướng toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện nay, đây lại là thách thức với nền điện ảnh quốc gia đòi hỏi phải có cơ chế quản lý phù hợp, cần sự quan tâm đặc biệt.
Các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tuyến đã được đẩy mạnh nhưng với sự chuyển đổi này, hầu hết các đơn vị hoạt động nghệ thuật biểu diễn và nghệ sĩ đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Việc kiểm soát vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng trở nên phức tạp. Cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn chưa đáp ứng nhu cầu. Hay chuyển đổi số du lịch được coi là “bàn đạp” để du lịch bứt phá sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tuy nhiên những hạn chế về nguồn lực đã cản trở quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đất nước. Có thời điểm toàn ngành phải đối mặt với “4 không” đó là: “Không tổ chức chương trình nghệ thuật - Không có các sự kiện thể thao lớn - Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế - Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô”. Khó khăn nữa đó cơ sở vật chất giúp cho ngành chuyển hướng chưa đồng bộ.
Ông Hùng nhấn mạnh, chúng ta rất muốn chuyển đổi số nhưng còn khó khăn về mặt con người, công nghệ, nguồn lực còn phân bổ rải rác, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển hướng vẫn đang mang tính cũ, có dáng dấp của phong trào. Trong khi ở góc độ quản lý nhà nước đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp.
“Bên cạnh những địa phương, cục vụ làm tốt, vẫn còn nhiều đơn vị đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy, quyết tâm của Bộ. Vẫn còn tình trạng thụ động, giao thì làm, chưa giao thì đứng im, vì vậy không tạo ra động lực của sự phát triển” - ông Hùng bày tỏ.
Theo ông Hùng: Các hoạt động vẫn khó để trở lại bình thường như trước kia trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, toàn ngành cần phải xác định chuyển hướng, trong đó tập trung một số vấn đề như tập trung tham mưu xây dựng thể chế, phải chủ động rà soát các Luật, Nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành… để đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Về du lịch, ông Hùng yêu cầu cần bám sát chức năng nhiệm vụ để sớm phục hồi ngành trước tác động của dịch bệnh. Trước mắt, Tổng cục Du lịch phải sớm trình các cấp thẩm quyền thông qua Quy hoạch Du lịch Việt Nam. Cùng với đó là rà soát, thẩm định nâng cấp làm mới các sản phẩm du lịch với chỉ tiêu một tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, vận hành, làm sôi động trang web về ngành để khi các địa phương số hóa điểm đến đưa lên không gian mạng, Tổng cục chỉ làm nhiệm vụ điều hành hệ thống…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục đích của sâu xa của diễn đàn này là bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam, cùng Đảng, Nhà nước chiến thắng đại dịch Covid-19. “Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, không nên say sưa với những gì làm được, suy ngẫm nhiều hơn, cảm nhận được sự hy sinh của tuyến đầu để tự soi mình, làm nhiều, cống hiến nhiều hơn nữa”- ông Hùng nói.