Đền tháp Chăm
Những ngôi tháp Chăm còn lại không nhiều nhưng vẫn là những bằng chứng lịch sử về một nền nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Chăm cổ.
Dọc miền Trung nước ta có khoảng 50 tòa đền tháp Champa, những ngôi tháp “trẻ” nhất cũng có tuổi đời 500- 600 năm, có ngôi tháp tới cả nghìn năm tuổi. Đây là sản phẩm kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo). Nếu như đền Ăng-ko Vát, Bay-on… ở Campuchia hay các đền thờ thần khác ở Indonesia, ở Ấn Độ thường được làm bằng đá thì tháp Chăm lại được làm bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, qua thời gian đến nay vẫn đỏ tươi như mới, trên mặt tường ngoài có chạm khắc, đẽo gọt hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh một cách công phu, tỉ mỉ.
Tháp Chăm đa phần được xây dựng trên những ngọn đồi cao, mỗi cụm từ 3 đến 6 ngôi tháp. Mỗi cụm luôn có một tháp chính thờ thần Shiva - người có quyền uy tối thượng trong tôn giáo Chăm. Tháp chính người Chăm gọi là Bimong có cửa luôn hướng về hướng đông - hướng mặt trời mọc, nơi trú ngụ của thần linh theo quan niệm Chăm. Bên trong lòng tháp chính rất hẹp, vừa đủ để bộ Linga - Yoni và để chức sắc Chăm thực hiện nghi thức hành lễ. Chỉ những lúc làm lễ cửa tháp chính mới được mở, thời gian còn lại cửa tháp luôn phải đóng kín.
Những tháp Chăm nổi tiếng nhất có thể kể đến khu Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Thánh địa từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm, hoàng thân, quốc thích. Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Cùng với đó, tháp Bánh Ít ở Bình Định nổi tiếng với 8 cụm di tích gồm 14 tháp, trải trên ba huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Các cụm tháp được xây dựng cách nhau không xa và xoay quanh thành Đồ Bàn (nay là thành Hoàng Đế ở Nhơn Hậu, An Nhơn). Hầu hết tháp được xây dựng từ thế kỷ 10-11. Đặc trưng của các cụm tháp tại đây là hoa văn, phù điêu bằng đá được trang trí trên các vòm cửa. Các bức phù điêu chạm khắc hình vũ nữ nhảy múa, tượng thần Silva, Ganesa bằng đá; tượng nữ thần Uma, tượng thần Bhama bằng đồng.
Tháp Poklong Garai thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố 5 km về phía tây bắc. Tháp được xây trên đỉnh Đồi Trầu vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để tưởng nhớ Poklon Giarai, vị vua đã có công trong việc dẫn thuỷ, hạ điền của địa phương. Quần thể tháp hiện còn 3 tháp là tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính (khi xây dựng là 5 tháp). Tháp Chính cao hơn 21 m, mỗi cạnh dài 10 m, gồm 4 tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, tận cùng bằng một linga đá.
Khu di tích Tháp Bà Ponagar, thuộc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa quy mô nhất còn lại ở miền Trung. Tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12-13. Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc.
Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn, thành phố Tuy Hòa và là hình ảnh tiêu biểu của du lịch tỉnh Phú Yên. Nhìn từ xa, núi rất giống hình chim nhạn đang thu mình chuẩn bị bay lên. Tháp được dựng lên từ vào thời chúa Nguyễn Hoàng khoảng từ năm 1578-1580. Kiến trúc của tháp gồm 3 phần mà theo quan niệm của người Chăm tượng trưng cho trần tục, tâm linh và thần linh. Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại khá nhiều. Tuy nhiên, những hoa văn trên tháp vẫn còn sắc nét, thể hiện trình độ kiến trúc điêu luyện của người xưa.
Chia sẻ về kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm, ông Ngô Văn Doanh – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, người Chăm Pa là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”. Bởi là công trình kiến trúc bằng gạch thì tuổi thọ kéo dài nhiều lắm 1 thế kỷ. Nhưng các đền tháp Chăm Pa hiện còn bây giờ đều có tuổi 700-800 trăm năm, thậm chí hơn 1.000 năm.
Chúng ta nhìn vào các đền tháp, thấy rõ ràng người ta xây bằng gạch, nhưng chúng ta cảm thấy hình như giữa các viên gạch không có mạch, lấy dao tích vào cũng không lách được vào mạch xây. Trên các tường gạch ấy, người ta chạm những hoa văn, hình người rất tinh tế. Kỹ thuật xây gạch liền sát như thế, chạm trên gạch, chắc chỉ có đền tháp Chăm Pa ở Việt Nam mới có, khu vực Đông Nam Á không có, thậm chí trên thế giới không có.