'Sốt' đất ở Hà Tĩnh - bong bóng dễ vỡ
Khoảng một tháng nay, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh tăng chóng mặt, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Làn sóng “sốt” đất đang khuấy động khắp nơi khiến nhiều người lo ngại “quả bong bóng xà phòng” này có thể vỡ bất cứ lúc nào và tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường.
Tăng bất thường
Trong vai người mua đất, chúng tôi tìm mua một lô đất ở xã Lưu Vĩnh Sơn (xã Thạch Lưu cũ), huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Lô đất 150m2 được rao bán trên Facebook với giá 420 triệu đồng nhưng khi đến xem thực địa thì “cò đất” thông báo miếng đất này được chủ giao bán 750 triệu đồng.
Tình cờ, người phụ nữ có đất sát ngay bên cạnh muốn bán miếng 324 m2, với giá 1,2 tỷ đồng.
“Họ đến xem và trả 1 tỷ nhưng chị chưa bán, phải được 1,2 tỷ chị mới bán” - người phụ nữ này khẳng định. Khi chúng tôi đang xem xét hạ tầng xung quanh thì người phụ nữ này thì thầm, dấm dúi với vị “cò đất” - người dẫn chúng tôi đi xem.
Ngày hôm sau, liên hệ lại người phụ nữ này thì miếng đất đã vọt lên với giá 1,45 tỷ đồng. “Phải được giá đó thì chị mới bán chứ lúc đầu chị chưa biết giá thị trường nên mới đòi 1,2 tỷ” - người phụ nữ nói trong điện thoại. Như vậy, chỉ chưa đầy 2 ngày, miếng đất ở vùng nông thôn của xã Thạch Lưu cũ được “hét” tăng lên 250 triệu đồng.
Không chỉ là thị trường nổi mà đất đấu giá cũng tăng phi mã. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh (thuộc Sở Tư pháp Hà Tĩnh) vừa thực hiện đấu giá 3 lô đất ở vùng quy hoạch dân cư thôn Bình Minh, xã Trung Lộc (huyện Can Lộc). Đáng nói, đây là vùng đất nông thôn, cách xa thành phố Hà Tĩnh hàng chục km nhưng đất đấu giá tăng lên bất thường.
Cụ thể, lô số 01 diện tích 210m2, giá khởi điểm 378.900.000đ được bán với giá 774.900.000đ, vượt 40 bước giá. Tương tự, lô số 02 tăng so với giá khởi điểm 400 triệu đồng, từ hơn 317 triệu lên 717 triệu đồng. Tổng số tiền cả 3 lô tăng gấp đôi so với giá khởi điểm, từ 1,013 tỷ đồng lên 2,089 tỷ đồng.
Theo khảo sát và trả giá của người dân bản địa thì các lô đất này trị giá không quá 500 triệu đồng. Khi tham gia đấu giá, người địa phương đành phải lắc đầu nhường chỗ cho người ngoài đến mua. “Giờ đấu giá xong, có lô được rao bán với giá 1 tỷ đồng” - một chuyên viên của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh cho hay.
Trước đó, dư luận tại Hà Tĩnh hốt hoảng với giá đất cao ngất ngưỡng trong đợt đấu giá 8 lô đất tại khu quy hoạch dân cư đồng Le Le, thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà). 8 lô đất được đấu thành công thu về hơn 18,7 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,6 tỷ đồng.
Cá biệt, lô số 07 vượt số bước giá cao nhất với 58 bước (28 triệu đồng/bước giá). Lô này có diện tích 200 m2, giá khởi điểm 560 triệu đồng, đã được đấu giá thành công với 2,184 tỷ đồng.
Giá trúng đấu giá cao nhất thuộc về lô số 09 có diện tích 214m2 với hơn 2,6 tỷ đồng (vượt 54 bước giá), giá khởi điểm của lô đất này hơn 719 triệu đồng, 35 triệu đồng/bước giá.
Theo anh Nguyễn Văn Ý, công chức Địa chính - Tài nguyên môi trường xã Thạch Thắng, chưa bao giờ giá đất ở xã Thạch Thắng lại cao như lần này, ngang ngửa với đất thành phố.
Hệ lụy khó lường
Nguyên nhân khiến giá đất ở Hà Tĩnh tăng lên đột biến được giới chuyên gia chỉ ra là do nhiều yếu tố, chẳng hạn như lãi gửi tiết kiệm vào ngân hàng thấp, dịch Covid-19 phức tạp nên tất cả mặt hàng, loại hình kinh doanh đều không có lợi nhuận nên người dân đổ xô đầu tư vào bất động sản.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư ngắn hạn - “cò đất” - tác động, bởi 80% đất trúng đấu giá đều thuộc về nhà đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Ý, công chức Địa chính - Tài nguyên môi trường xã Thạch Thắng cho biết, trước khi đấu giá, tại địa phương có nhiều đoàn xe ô tô là người lạ đi lùng khắp các thôn xóm để tìm mua đất. “Trước tình trạng đó, chúng tôi đã yêu cầu thôn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để cảnh tỉnh người dân, tránh những thiệt hại không đáng có”.
Cũng theo anh Ý, giá đất ở Thạch Thắng cao đột biến có thể do hiệu ứng đồn thổi từ Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa tại 2 xã Thạch Văn và Thạch Trị, thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 5/2021 vừa qua.
Tuy nhiên, không phải mỗi khu vực này giá đất tăng mà ở các huyện khác như Kỳ Anh, Can Lộc và vùng ven thành phố Hà Tĩnh cũng tăng cao. Việc này có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, cơn sốt đất này được ví như bong bóng xà phòng, có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh, thực tế nhu cầu về đất ở tại Hà Tĩnh hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao mà chủ yếu do các nhà đầu cơ ngắn hạn bắt tay nhau thổi giá, tạo sóng để kiếm lợi nhuận. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về an sinh xã hội, an ninh trật tự.
“Giá đất ở vùng nông thôn tăng cao khiến người dân có nhu cầu thực sự để làm nhà ở thì không mua được. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng” - ông Nguyễn Mạnh Quỳnh nói.
Anh L., một người trong nghề đấu giá lâu năm và đã trải qua nhiều đợt biến cố đất ở Hà Tĩnh chia sẻ, do quy định tiền nộp trước ít và thời gian nộp thuế sau khi trúng đấu giá dài ngày (30 ngày) nên chỉ cần vốn nhỏ cũng có thể làm nhà đầu tư. Trong khoảng thời gian đó, các nhà đầu tư tranh thủ bán lướt để kiếm lợi nhuận.
Mặc dù ở Hà Tĩnh chưa có trường hợp nào bỏ cọc, hủy kết quả trúng đấu giá nhưng đã có trường hợp trúng đấu giá nhưng không bán lướt được nên gửi lại các công ty đấu giá bán lỗ, có nhà đầu tư lỗ 100 triệu đồng/lô.
Giải pháp để bình ổn thị trường bất động sản, theo giới chuyên gia, chính quyền phải có chính sách sách bình ổn, đảm bảo an sinh xã hội. Những lúc thế này không nên “găm” hàng mà phải tung ra nhiều đất hơn để bão hòa thị trường, giúp người dân có nhu cầu cấp thiết tiếp cận được đất đúng với giá trị thực để mua.
Xin được kết thúc bài viết này với câu chuyện có thật, được anh L. chứng kiến. Đó là cuối năm 2011, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh “đóng băng”, rớt giá thảm hại. Nhiều nhà đầu tư bán tống bán tháo đất đã ôm bấy lâu.
“Khi đó, giá đất rẻ như cho, có trường hợp, ngân hàng đòi nợ nên bán nhà, bán cả khách sạn nhưng không đủ trả nợ. Người đó phải trốn nợ, bỏ đi biệt xứ gần 10 năm nay chưa thấy xuất hiện” - anh L. kể.