Toạ đàm trực tuyến: 'Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?'

Nhóm PV 24/09/2021 13:30

Các đại biểu tham dự toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" của Báo Đại Đoàn Kết đều nhất trí rằng cá nhân làm từ thiện phải minh bạch, đúng pháp luật... Nếu đúng thì không ngại thị phi.

Khách mời của chương trình gồm: Ông Lưu Bình Nhưỡng, TS Luật, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, TS, luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; ca sĩ Thái Thuỳ Linh.

Toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" diễn ra vào lúc 14h30 ngày thứ Sáu (24/9/2021), được truyền hình trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo Đại Đoàn Kết trên mạng xã hội Facebook.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Hiểu rõ về mục đích của Tọa đàm "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?"

Mở đầu Tọa đàm, nói về chủ đề "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?", nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, thứ nhất, ở đâu có công chúng, có vấn đề công chúng quan tâm, ở đó có báo chí: Tên Tọa đàm là “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” là vấn đề đang được dư luận, báo chí quan tâm. Tọa đàm được tổ chức theo tôn chỉ của cơ quan báo chí, trên tinh thần: Ở đâu có bạn đọc, ở đâu có mối quan tâm của công chúng, ở đó báo chí có trách nhiệm phục vụ.

Thứ hai, câu chuyện “sao kê” tiền từ thiện đang là vấn đề đặt ra nóng hổi từ thực tiễn cuộc sống, và nhìn ở khía cạnh tích cực nó rất tốt để thúc đẩy chúng ta đến lúc phải đưa ra một giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn.

Cần rạch ròi rằng: Các cá nhân, nếu có dấu hiệu trục lợi từ thiện thì sẽ phải đối mặt với pháp luật. Và, dùng pháp luật để minh bạch, những tranh cãi/tranh chấp là điều tốt trong xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật.

Từ thực trạng này, buổi Tọa đàm nhìn nhận đề giải quyết vấn đề, và có thể đưa ra chính sách, hướng tới quản lý tốt hơn vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Nhà báo Lê Anh Đạt phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Thứ ba, thẳng thắn, khách quan và hướng đến lan tỏa thiện nguyện: Mục đích của chúng tôi là cung cấp một kênh thông tin, một tiếng nói chân thực, thắng thắn từ những người trong cuộc, thậm chí là những người đã và đang ở trong tâm bão dư luận.

Bên cạnh đó, khách mời còn có nguyên đại biểu Quốc hội, luật sư, những người dày dặn kinh nghiệm công tác và thực tiễn. Các vị khách mời sẽ trao đổi khách quan trên tinh thần cùng tìm ra giải pháp, không sa vào chuyện tranh cãi cá nhân.

Tọa đàm chỉ thực hiện mục đích hướng đến giảm thiểu sai sót, sai lầm của cá nhân để hướng đến công tác từ thiện được công khai, minh bạch đúng pháp luật, phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân để cùng chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, cùng nhau vượt khó, phát triển.

Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, "với mục đích rõ ràng đó, chúng tôi mong muốn từ thực tiễn sinh động, kể cả từ những bất cập, sai sót đã xảy ra, các khách mời sẽ giúp bạn đọc nhìn sâu hơn vấn đề này để điều chỉnh công tác từ thiện sắp tới được tốt hơn, để điều thiện được nuôi dưỡng và lan tỏa, tránh triệt để việc núp bóng, trục lợi từ thiện gây hệ lụy cho xã hội".

Nói về sự vắng mặt của ca sĩ Thuỷ Tiên tại Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, phút cuối ca sĩ Thuỷ Tiên thông báo có vấn đề sức khoẻ, cử luật sư đại diện tham gia. Tuy nhiên, cuộc Tọa đàm này chúng tôi không nhằm vào vấn đề cá nhân gây tranh cãi. Bởi vậy, sự có mặt của luật sư đại diện Thuỷ Tiên là không phù hợp.

Người làm từ thiện: Đừng Tham - Sân - Si

MC:Câu hỏi đầu tiên chúng tôi muốn dành cho MC Phan Anh. Theo anh, người làm từ thiện cần có những tố chất, kỹ năng gì? Khó khăn lớn nhất của việc làm từ thiện cá nhân?

MC Phan Anh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

MC Phan Anh: Đối với tôi, điều khó khăn nhất khi làm thiện nguyện cho cộng đồng là mình phải phát hiện được Tham - Sân - Si trong chính mình và chế ngự được Tham - Sân - Si đó. Khi hỗ trợ bà con vào năm 2016, hỏi rằng tôi có tham không, tôi cho là có. Đây không phải là tham tiền, nhưng tham sự ghi nhận của mọi người dành cho mình.

“Trong 1 ngày tôi nhận 8 tỷ đồng, tôi liền tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người”, Phan Anh nói.

Tôi tham sự ghi nhận của mọi người dẫn đến không còn tỉnh táo nữa, tôi chỉ tin vào cá nhân, sức mình có hạn, không lường trước vấn đề của mình.

Rồi cả Sân nữa: mình thấy ai đó ý kiến về mình, mình ghét người ta, thế là mình sân, mình si mờ trong việc đó.

Cuối cùng nó thành hành trình không thiện nguyện nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi, ôi sao mình làm việc tốt mà sao mình vướng vào thị phi này. Lúc đó, tôi quên mất niềm vui và hạnh phúc khi bắt đầu hành trình thiện nguyện là mang lại ấm áp cho bà con.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng khi bắt đầu làm thiện nguyện phải hiểu rõ rằng bạn đang làm điều gì, làm cho ai và bạn thấy hạnh phúc với việc đó thôi là đủ rồi. Phải gạt bỏ mọi Tham - Sân - Si trong người.

Ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Quang Vinh.

MC:Với những câu hỏi đã dành cho MC Phan Anh, chúng tôi muốn biết ý kiến của ca sĩ Thái Thùy Linh, người đã gắn bó với chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện và những chương trình khác, người được Trung ương đoàn bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Xin mời chị!

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Với cá nhân tôi, ngay từ những lần đầu tự đứng ra tổ chức chương trình thiện nguyện, tôi đã xác định nhiệm vụ là làm sao lan tỏa những giá trị, ý nghĩa cao đẹp, hiệu quả của thiện nguyện đến mọi người.

Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người yếu thế, còn có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn là hướng cho nhiều người trẻ, đặc biệt là các em nhỏ lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Hiện nay trẻ em và thanh niên còn đang chật vật đi tìm lý tưởng sống, con đường thành người tử tế bởi có quá nhiều thông tin độc hại.

Tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ giáo dục lớp trẻ hướng đến những giá trị tốt đẹp. Điều ý nghĩa nhất trong quá trình làm thiện nguyện của tôi là làm cho nhiều thanh niên sống hướng thiện hơn, thậm chí nhiều người trước đây có thành kiến và cực đoan với thiện nguyện nhưng cũng đã thay đổi quan điểm. Tôi cho rằng đó là một trong những niềm hạnh phúc và thành công của mình.

Điều khó khăn nhất trong khi làm thiện nguyện là việc sắp xếp thời gian, làm thế nào để dung hòa được. 10 năm nay, tôi vẫn loay hoay để sắp xếp thời gian lo lắng đi hát kiếm tiền, dạy con... Đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì không thể trả lời hết được tin nhắn của mọi người.

Ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Quang Vinh.

May mắn cho tôi là đã đi qua được một khúc khó khăn để trả lời được câu hỏi: Vì sao ở hiền mà không gặp lành, bao nhiêu công sức, con người mình từng giúp đỡ nhưng nhận được những lời thị phi và đồn đại ác ý.

Gần đây có nhiều thị phi liên quan đến nghệ sĩ và thiện nguyện nhưng tôi tin tưởng vào con đường mình đang đi và công việc mình đang làm. Tôi luôn luôn xác định khi làm thiện nguyện là vì ai, mình muốn giúp gì cho họ và đã giúp được chưa, chứ không quá quan tâm đến việc người ta nghĩ và đánh giá như thế nào. Nếu không giải quyết được các câu hỏi đó thì sẽ dừng lại công việc này từ rất sớm.

Đây cũng là lý do vì sao tôi đến với buổi tọa đàm ngày hôm nay.

TS Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Xã hội hóa nhưng cần cơ chế kiểm soát cá nhân làm từ thiện

MC: Thưa TS Luật Lưu Bình Nhưỡng, quan điểm của ông thế nào, dưới góc nhìn pháp lý về cá nhân làm từ thiện?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi xin cảm ơn quý Báo đã cho tôi tham gia diễn đàn quan trọng này. Thời gian qua, rất nhiều cử tri, người dân cũng rất quan tâm về vấn đề làm từ thiện. Từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người. Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64.

Theo đó, Nghị định này chỉ cho phép các tổ chức, đơn vị kêu gọi vận động cứu trợ bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội từ thiện và các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm báo, đài truyền thanh, truyền hình...

Nghị định cũng quy định về cơ quan tiếp nhận bao gồm MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương và các đơn vị, tổ chức được MTTQ cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy theo quy định không có một tổ chức, cá nhân nào khác ngoài quy định này được kêu gọi từ thiện.

Ngoài ra còn một nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93 quy định về quỹ xã hội từ thiện, theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội.

Như vậy có thể thấy, hiện có nhiều quy định liên quan đến hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, như MC Phan Anh đã đề cập, các cá nhân làm từ thiện xuất phát từ tâm. Nhưng có những người không qua được Tham - Sân - Si...

Tôi cũng đi làm từ thiện nhưng theo cách riêng của tôi. Tôi làm từ thiện dựa trên uy tín của cá nhân để vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân đóng góp để hỗ trợ người nghèo. Như việc đề nghị, kêu gọi các doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa, xây cầu, đường, trường học... Trong các hoạt động này, chúng tôi không trực tiếp cầm tiền.

Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân kêu gọi ủng hộ đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh 3 ý:

Một là, phải khẳng định làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội, tôi cho rằng, hiện nay dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng cũng là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát.

Thứ hai, phải quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. Anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua lam từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện.

Và thứ ba, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi. Cá nhân tôi cho rằng, không nên cấm cá nhân làm từ thiện.

Quan điểm của tôi là cần phải xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế để kiểm soát việc làm từ thiện của cá nhân.

Từ thiện đi liền minh bạch

MC:Cục Nghệ thuật biểu diễn đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, trong đó yêu cầu các nghệ sĩ phải minh bạch trong hoạt động từ thiện có nhiều ý kiến đánh giá cao hoạt động từ thiện vì công chúng bằng tài năng nghệ thuật của mình. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, nếu làm thiện nguyện tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì rất đáng trân trọng, được yêu mến hơn nhưng nếu làm thiếu chuyên nghiệp thì lại phản tác dụng.

Chị đã tổ chức làm từ thiện như thế nào để hạn chế được những sai sót và theo chị thế nào để chuyên nghiệp hóa hoạt động thiện nguyện?

Ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Quang Vinh.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Những ngày qua, vấn đề minh bạch từ thiện được nhắc rất nhiều với từ khóa “sao kê”. Hơn 10 năm nay, tôi đã tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện và mỗi chương trình đều có ban kế toán và kiểm toán. Tại sao gọi là “ban” vì không bao giờ là một người làm. Những người tham gia làm thiện nguyện không có đủ thời gian toàn tâm toàn ý như làm công ăn lương được. Tôi cũng không thể bắt các tình nguyện viên dành toàn bộ thời gian và chất xám của mình để làm thiện nguyện được. Chính vì vậy, bao giờ cũng phải có nhiều hơn 1 người tham gia giám sát thu chi, kiểm toán... Với quỹ càng lớn càng nhiều sự giám sát chéo.

Như hiện nay, trong chiến dịch “Người Việt thương nhau” mà tôi khởi xướng có ban kiểm toán gồm khoảng 7 tình nguyện viên ở những vị trí khác nhau và tất cả mọi người sẽ cùng kiểm tra chéo. Mọi thu chi không chỉ một người biết.

Riêng phần thu vào thì mới đây tôi được cấp một tài khoản gọi là “Tài khoản minh bạch thiện nguyện”. Điều hay của tài khoản này là mọi người đều có thể vào xem sao kê 24/7, bất kì lúc nào, không cần mật khẩu. Mọi khoản tiền thu vào và chi ra đều minh bạch. Có một tài khoản như vậy là một bước tiến, công việc thiện nguyện sang một trang mới. Không ai phải réo tên ai sao kê khi mọi thứ đều minh bạch, tránh được nhiều hệ lụy và thị phi.

Công chúng đòi hỏi nghệ sĩ nhiều quá, vừa đòi hỏi họ giữ hình ảnh đẹp, vừa phải bốc vác, điều hành hoạt động thiện nguyện, làm truyền thông… thì làm sao làm được. Mình là người bình thường nên những gì mình không giỏi thì tìm người giỏi làm với mình.

Có như thế mới có thể thực hiện được các chương trình lớn, giúp đỡ nhiều người. Ví dụ, trong 7 năm, tôi mang được 1,5 triệu bộ quần áo lên miền núi.

Phải biết tối ưu nguồn lực, tôi chỉ là người đứng ra khởi xướng và kết nối mọi người làm. Điều này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tự mình làm tất cả.

MC:Từ góc độ thực tiễn, thưa MC Phan Anh, anh là một trong những người nổi tiếng đi làm từ thiện và tôi cũng nói thật anh vướng không ít thị phi, anh chia sẻ gì với các cá nhân làm từ thiện đang vướng thị phi thời gian gần đây?

MC Phan Anh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

MC Phan Anh: Tôi cũng xin chia sẻ từ trái tim của mình là tôi cũng hiểu pháp luật chứ không phải không hiểu pháp luật.

Chúng ta nói nhiều Nghị định 64, chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể làm việc pháp luật không cấm. Và chính như anh Lưu Bình Nhưỡng nói là đây là việc từ tâm, những việc các cá nhân đứng lên kêu gọi từ thiện là những việc pháp luật không cấm, được pháp luật khuyến khích, chỉ có điều làm thế nào cho đúng thôi. Nếu bạn làm không đúng, bạn vi phạm pháp luật và bạn chịu trách nhiệm về những điều bạn vi phạm đó.

Và quay trở lại sao kê, minh bạch, cá nhân Phan Anh ủng hộ tuyệt đối việc minh bạch, không phải việc minh bạch trong việc từ thiện mà mọi vấn đề trong xã hội. Và đã minh bạch không chỉ bảo vệ mình mà bảo vệ niềm tin của mọi người, rằng điều tử tế trong xã hội này vẫn tồn tại. Niềm tin đó rất có ý nghĩa trong cuộc sống xã hội ngày hôm nay.

Chuyện minh bạch, sao kê là chuyện đương nhiên. Tôi đã phải lập 1 website, để làm gì, một phần để bảo vệ mình và để mọi người muốn tìm hiểu thì hãy tìm hiểu. Xin hãy soi từng giao dịch từng chứng từ để chỉ ra rằng ông Phan Anh này ăn chặn tiền từ thiện ở đâu, nếu có thì làm ơn báo công an đi, làm ơn khởi kiện đi.

Tôi chỉ mong có ai đó khởi kiện đi để khẳng định lại một lần nữa, ông này làm sai ở đâu, để thị phi đó chấm dứt đi, để những người làm thiện nguyện chân chính, những người có tấm lòng vì cộng đồng vững bước. Đó là điều cao đẹp mà tình đồng bào, nghĩa cử cao đẹp cần nhân lên và tại sao chúng ta giờ đây lại vùi dập.

Tôi nghĩ rằng mọi người đều mong muốn điều tốt đẹp thôi nhưng cách thức mọi người đang thực hiện có làm những người làm từ thiện thối chí hay không?

Trở lại vấn đề, tôi nghĩ rằng chuyện minh bạch, chuyện sao kê là chuyện đương nhiên.

Nếu bạn không làm từ thiện, tôi không đòi hỏi bạn minh bạch, nhưng bạn làm mà, bạn phải chuyên nghiệp chứ. Nếu bạn thấy sai thì bạn nhận đi. Nhưng nếu còn bạn làm từ thiện thì công chúng có quyền đòi hỏi sao kê, đòi hỏi chứng từ, đòi hỏi minh bạch của người nghệ sĩ.

Chính bản thân tôi cũng có sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi không phải là người kế toán làm sao chứng từ đầy đủ mà đúng theo quy định nhà nước.

Và cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng, thì trước hết phải đúng đi, cố gắng đúng đi. Mình là nghệ sĩ, mình không phải là kế toán nhưng mình cũng phải cố gắng, trong ê kíp của mình cũng phải có những người chuyên nghiệp để giúp mình làm đúng.

Lúc nãy tôi có chia sẻ là Tham - Sân - Si đó, nghĩa là mình ảo tưởng sức mạnh quá. Có những lúc mình nghĩ rằng, ồ mình giỏi quá, mình làm cái gì cũng được. Nhưng cuối cùng là những việc mình làm không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của mọi người, nhưng mình cứ nghĩ là mình là đúng rồi.

Đại tá TS luật sư Lê Ngọc Khánh.

Sao kê thôi chưa đủ đảm bảo sự minh bạch

Đại tá, TS, luật sư Lê Ngọc Khánh: Trước hết vấn đề từ thiện là hết sức cần thiết. Xã hội cần góp sức. Vì Nhà nước không thể nào đáp ứng ngay lập tức và kịp thời với nơi khó khăn. Vì vậy hoạt động của các nhà hảo tâm là rất cần thiết. Về hành lang pháp lý chúng ta có tương đối đầy đủ. Như Nghị định 64 của Chính phủ. Nghị định 93 cũng nêu rõ cá nhân được làm từ thiện. Nghị định 93 là nghị định tôi rất quan tâm và đã nói rõ mọi cá nhân được làm từ thiện - nhưng có một điều là chúng ta phải lập quỹ. Đây là vấn đề mấu chốt.

Nếu các cá nhân làm tốt thì nhân dân ủng hộ. Làm tốt thì nhân dân không bao giờ nghi ngờ. Làm tốt phải từ tâm, làm liêm chính, đúng quy định của pháp luật. Nếu chúng ta làm mà không minh bạch, không trong sáng, không công tâm thì hẳn sẽ bị nghi ngờ. Người dân biết hết!

Theo tôi muốn làm từ thiện tốt trước hết chúng phải có tâm, sau đó chúng ta phải lập quỹ theo quy định của Nghị định 93.

Quay lại chuyện sao kê. Sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ nêu lên rất đúng, rất tốt rồi nhưng chưa đủ đâu. Sao kê chưa hết. Sao kê, ngân hàng thì tiền vào ngân hàng và tiền ra ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được.

Ví dụ một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai? Thì ai biết. Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có ký nhận đầy đủ. Vì vậy, sau khi rút tiền từ ngân hàng ra thì tiêu cho ai, làm gì phải hết sức rõ ràng?

Các cụ nói "cây ngay không sợ chết đứng". Ví dụ nghệ sĩ Kim Cương, 50 năm làm từ thiện nhưng chưa có điều tiếng gì. Tôi cũng đã từng đi làm từ thiện, cũng đã quyên góp nhưng chúng tôi không bao giờ cầm tiền. Mà sau khi quyên góp rồi, chúng tôi phải chuyển cho các đơn vị chức năng. Chúng tôi chỉ kiểm soát bằng các thông tin từ người nhận cụ thể.

MC:Ngoài sao kê có cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng?

Đại tá TS, luật sư Lê Ngọc Khánh: Nếu chúng ta làm đầy đủ theo quy định của pháp luật thì không cần cơ quan chức năng. Chúng ta làm đúng theo Nghị định 93 thì cơ quan chức năng không cần vào cuộc. Nếu có biểu hiện sai sót như có đơn kiện, đơn tố cáo thì người ta mới vào cuộc.

TS Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Cần đạo luật về từ thiện

MC: Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã coi từ thiện là lĩnh vực hoạt động quan trọng của xã hội và có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Cá nhân hay nhóm làm thiện nguyện đều gắn với 1 tổ chức được cấp phép. Ví dụ ở Anh, nước đầu tiên có Luật từ thiện đã quy định cá nhân hay tổ chức kêu gọi từ thiện từ khoảng 5.000 bảng (khoảng 150 triệu VND) thì phải đăng ký hoạt động để cơ quan chức năng không chỉ có cơ chế quản lý, giám sát mà còn có cơ chế miễn giảm thuế. Singapore cũng có đạo luật chính thức về từ thiện từ năm 1983, ở Nhật, Trung Quốc cũng cho phép một số hoạt động từ thiện hoạt động và những người làm hoạt động từ thiện sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế. Ở Việt Nam, hiện nay cá nhân tham gia làm từ thiện rất nhiều nhưng chưa có chế tài nên họ chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi gì. Thưa TS Lưu Bình Nhưỡng, để phát huy nguồn lực xã hội rộng lớn từ hoạt động thiện nguyện cá nhân chúng ta có thể học tập gì từ các nước đã áp dụng luật từ thiện?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các hoạt động từ thiện dựa trên các nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng. Chúng ta có thể vận dụng các chính sách thiện nguyện dựa trên các nền tảng đó vào hoàn cảnh của chúng ta để xây dựng đạo luật về từ thiện.

Song cần lưu ý, trong đạo luật đó phải quy định tổ chức, phương thức làm từ thiện như nào, để đảm bảo vừa hiệu quả, nhưng phải lấy công khai minh bạch làm kim chỉ nam, để xã hội yên tâm.

Chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm của các nước mà MC vừa nêu. Nước ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một đạo luật nhân văn.

Nghị định 64 sửa đổi cũng phức tạp và tốn thời gian ngang với việc ban hành được đạo luật. Nhưng nếu pháp luật cứ chắp vá sẽ làm khó cho xã hội. Tôi thực sự kỳ vọng sẽ có một đạo luật nhân văn ra đời.

Liên quan đến câu hỏi của MC về giải pháp để giải quyết vấn đề này, tôi có đề nghị rằng, Thủ tướng Chính phủ nên có một chỉ đạo, tất cả các địa phương phải báo cáo rà soát đánh giá lại toàn bộ công tác từ thiện của địa phương mình.

Trong đó, có tôn vinh, khen thưởng những người làm tốt, ai vi phạm pháp luật thì cần có biện pháp xử lý.

Trong trường hợp cần thiết điều tra thì phải chuyển đến cơ quan chức năng để vào cuộc, xử lý. Nếu giả sử có tố cáo những người làm từ thiện thì cần phải có bằng chứng, có đơn tố giác tội phạm.

Nếu có được một chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, tôi cho rằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Đại tá, TS luật Lê Ngọc Khánh cho biết, nếu câu chuyện quyên góp trở thành vấn đề pháp lý thì đã có quy định của pháp luật. Luật hình sự quy định về tội danh lừa đảo hoặc là lạm dụng tín nhiệm. Nhà hảo tâm tin tưởng chuyển cho người quyên góp. Nếu người đứng ra quyên góp chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, bị từ phạt tiền tới các mức khác. Nếu có căn cứ người quyên góp có hành vi chiếm đoạt như nhà hảo tâm gửi tới người quyên góp 10 tỷ mà chỉ hỗ trợ 5 tỷ, còn 5 tỷ để tiêu thì đã vào tội lừa đảo và có thể đối diện mức án nhiều năm tù.

Đáp lại vấn đề xử phạt, ca sĩ Thái Thùy Linh đặt vấn đề, trước khi đưa ra chế tài xử phạt thì phải có các hướng dẫn cụ thể. Làm từ thiện từ bao nhiêu tiền sẽ phải khai báo cho ai? Giữ tiền bao lâu thì bị xử lý? Ví dụ như lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh mới đây.

Minh bạch thu chi cũng rất cần hướng dẫn như: Từ bao nhiêu tiền thì cần hóa đơn biên lai? Trong trường hợp kế toán làm sai, làm nhầm thì ai là người chịu trách nhiệm?

Hướng đến chuyên nghiệp hơn, cần có luật và hướng dẫn cụ thể, ví dụ như có thể dùng bao nhiêu % quỹ đó để trả lương cho những người làm thiện nguyện?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ, cá nhân muốn làm từ thiện là rất tốt, và pháp luật phải cho cá nhân làm. Tuy nhiên những người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Câu hỏi đặt ra của MC rất hay, phải chăng chế tài của ta chưa có? Hiện nay có rất ít chế tài về công tác thiện nguyện. Bởi vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại vấn đề đó là: Cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc cá nhân làm từ thiện.

Tiếp theo về việc giữ tiền lâu thì nên có chế tài thế nào? Tôi nghĩ, có những hoạt động từ thiện mang tính thời điểm: Nếu không làm ngay thì là muộn. Như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh. Anh vận động từ thiện vì mục đích gì, nếu vì bão lũ thì phải giải ngân ngay trong thời gian xảy ra bão lũ. Bão lũ qua rồi thì không còn ý nghĩa gì nữa.

Từ thiện đúng không sợ thị phi

MC:Một câu hỏi chung cho các khách mời: Với những gì đang diễn ra trên thực tế về cá nhân làm từ thiện, theo anh/ chị cách nào để cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng, để những người tiếp theo không rơi vào những thị phi như đã có?

Ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Quang Vinh.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Theo tôi, làm thiện nguyện không hiệu quả thì đừng làm. Làm hiệu quả mà không minh bạch thì cũng vứt. Thứ ba là phải đóng góp chia sẻ cho cộng đồng bằng thay đổi cách tư duy về thiện nguyện.

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thích thị phi. Chỉ khi cùng nhau xây dựng cộng đồng thích những hoạt động thiện nguyện minh bạch thì mới không còn thị phi. Mỗi người phải góp sức thay đổi cộng đồng đó.

TS Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quang Vinh.

TS Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, cá nhân làm từ thiện, muốn tránh thị phi là khó, tôi nhớ Khổng Tử có nói: Phàm là quân tử đừng buồn vì người khác không hiểu mà chỉ buồn vì không có khả năng mà thôi. Bởi vậy, chúng ta không nên buồn vì thị phi khi chúng ta đang làm điều tốt.

Làm từ thiện tức là phải cầm tiền, mà tiền thì dễ gây thị phi. Bởi vậy, theo tôi, với những người làm từ thiện cần phải rõ ràng, anh làm từ thiện dựa trên nhu cầu của người nhận sẽ hiệu quả hơn.

Tôi đi Mù Cang Chải (Yên Bái), người dân họ nói họ không cần gạo, nhưng cần đường sá tốt nên cần hỗ trợ xi măng. Như vậy, rõ ràng, khi làm từ thiện nếu cho đúng thứ người ta cần thì đó là hiệu quả.

Thứ hai là đúng đối tượng, anh cho người không cần, không đúng địa chỉ thì sẽ gây ra bất cập.

Tuy nhiên, làm từ thiện phải làm từ tâm, đừng thấy thị phi mà từ bỏ. Muốn chống thị phi phải tiếp tục làm đúng.

Nhân chương trình Tọa đàm của Báo Đại Đoàn Kết, tôi cũng mong bạn đọc cần lĩnh hội một số yếu tố sau: Khi làm từ thiện, cần đề cao tinh thần đạo đức, đi làm từ thiện mà không có đạo đức thì không làm được. Thứ hai phải dựa vào pháp luật để làm từ thiện. Thứ ba, phải có phương pháp làm từ thiện đúng, không phải muốn làm thế nào cũng được.

Như vậy có 3 yếu tố quan trọng để làm từ thiện hiệu quả, đó là: Đạo đức, pháp luật và phương pháp tốt.

Đại tá, TS Luật Lê Ngọc Khánh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Đại tá, TS Luật Lê Ngọc Khánh: Tôi đồng ý với các bạn, đầu tiên chúng ta phải minh bạch. Nếu không minh bạch thì chúng ta không thể làm được gì. Về việc làm từ thiện, nó có vấn đề lòng tin. Tôi phải nói thật, một số người dân có một chút mất lòng tin với các tổ chức xã hội nên họ tin vào các nghệ sĩ về các người nổi tiếng. Nhưng vừa rồi một số nghệ sĩ, người nổi tiếng lại làm mất lòng tin của dân chúng. Vì vậy họ mất lòng tin vào công tác thiện nguyện.

Nếu muốn làm từ thiện tốt chúng ta có thể phối kết hợp, giám sát giữa các cá nhân và các tổ chức xã hội. Ví dụ vừa rồi ở Phong Thổ, Lai Châu bị giông bão, chúng tôi điện lên cho Hội chữ thập đỏ của huyện của tỉnh để hỏi người dân cần gì. Ví dụ, Hội chữ thập đỏ nói đừng gửi gạo, đừng gửi mì tôm lên nhé, họ có nhiều lắm. Người dân lúc này đang cần vật liệu lợp lại nhà, cần vật dụng… Như vậy chúng ta hoạt động cá nhân nhưng thông qua các tổ chức địa phương để làm thiện nguyện một cách cụ thể.

Còn nếu chưa minh bạch, chúng ta phải đối diện với dư luận. Đòi hỏi của dư luận là rất đúng. Vấn đề chúng ta có trong sáng hay không, có công tâm hay không? Nếu chúng ta đủ cả sự trong sáng, cả sự công tâm thì đừng có sợ thị phi.

Nhà báo Lê Anh Đạt phát biểu kết luận tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt đã thay mặt Ban Tổ chức cám ơn các vị khách mời và trao đổi một số vấn đề:

Thị phi không chỉ có trong hoạt động từ thiện mà ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Nếu chúng ta không bản lĩnh thì việc gì cũng có thể “đẽo cày giữa đường”. Ngay cả Tọa đàm này trước khi diễn ra cũng chịu rất nhiều thị phi. Tôi trao đổi với các anh em trong ê kíp thực hiện là, tâm trong sáng và phương pháp hợp lý thì chúng ta cứ làm, rồi mọi người sẽ hiểu. Còn nếu cứ điều chỉnh mình làm theo các luồng dư luận thì có lẽ chẳng bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn.

Các vị khách mời đã trao đổi nhiều về vai trò của người nổi tiếng. Tôi với tư cách là người làm truyền thông, báo chí, theo dõi thông tin trên báo chí, bao quát nhiều sự kiện như thiên tai, địch hoạ… thấy rằng, nếu ta chỉ để ý đến vai trò của người nổi tiếng trong các hoạt động thiện nguyện, tôi nghĩ nhiều người sẽ chạnh lòng. Những người trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên…, họ đã làm rất nhiều, hy sinh rất nhiều cho cộng đồng. Tất nhiên mọi người sẽ chỉ nhìn thấy những hiệu ứng ngay lập tức của những người nổi tiếng, nhưng trong cuộc sống lại có rất nhiều tấm gương thiện nguyện, tấm gương bình dị mà cao quý, những hy sinh thầm lặng nhưng chúng ta chưa ghi nhận thật sự đầy đủ trên truyền thông cũng như mạng xã hội. Ngay cả trong dịch bệnh Covid 19, chúng ta hoàn toàn có thể tìm bất cứ đâu ở tuyến đầu cũng thấy những hy sinh, cống hiến cho xã hội. Thay mặt Ban Tổ chức chúng tôi ghi nhận, biết ơn, tri ân những con người như vậy.

Tiêu cực trong thiện nguyện là lợi dụng lòng tốt, tình yêu thương để trục lợi. Nếu ai dám ăn chặn cả những đồng tiền thế này họ sẽ phải đối diện với luật pháp và lương tâm. Tiêu cực trong từ thiện là làm mất niềm tin kép, niềm tin của người dân, niềm tin của nhà hảo tâm.

Nhà báo Lê Anh Đạt kết luận một số vấn đề:

1. Một số cá nhân làm từ thiện gây tranh cãi thời gian vừa qua là hệ quả có thể được đoán trước được. Vì sao? Không ai có thể tự minh bạch tiền trong túi của mình với mọi người, nếu không có bên thứ ba, cơ quan thứ ba giám sát… Nếu có thành tâm minh bạch cũng sẽ gây nghi ngờ khi không có phương pháp, công cụ giám sát để công khai, minh bạch. Hơn nữa khi tiền, quà huy động được quá lớn thì việc quản lý tài chính, quy mô phân phối quà cũng vượt quá tầm kiểm soát của cá nhân và đó có thể xảy ra sai sót.

2. Để có một giải pháp ngay trước mắt khi công việc từ thiện đang phải diễn ra, thì: Cá nhân làm từ thiện nên đăng ký với các cơ quan chức năng (Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đó, hay chính quyền các cấp) để các cơ quan này thay mặt các nhà hảo tâm giám sát, giúp đỡ, hỗ trợ các cá nhân trong việc làm từ thiện. Khi có vấn đề xảy ra các cơ quan sẽ có trách nhiệm minh bạch hóa các công đoạn làm từ thiện mà cụ thể là liên quan đến tiền, quà và đối tượng thụ hưởng.

3. Từ thực tiễn, chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả, thống nhất cho cá nhân làm từ thiện. Khi hành xử theo luật mọi việc sẽ được giải quyết thuyết phục và cơ chế chịu trách nhiệm cũng rõ ràng. Như vậy thì việc làm từ thiện sẽ hiệu quả, lan tỏa một cách mạnh mẽ tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái.

Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, Tọa đàm mở ra chứ không đóng lại. Hôm nay, với tư cách là cơ quan báo chí, chúng tôi làm tròn trách nhiệm tổ chức một tọa đàm cung cấp thông tin, đưa ra một số gợi mở. Sắp tới, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục, Tết đến người nghèo cũng rất cần hỗ trợ, rồi bão lũ miền Trung…, chúng ta không vì bất cứ điều gì mà dừng lại câu chuyện thiện nguyện.

Nhóm PV