Khai báo y tế QR Code: Cần sự giám sát của cơ quan chức năng
Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có những quy định rõ ràng trong việc thực hiện khai báo QR Code tại các điểm kinh doanh từ khi bắt đầu nới lỏng giãn cách, tuy nhiên trên thực tế các chủ cơ sở kinh doanh lẫn người mua hàng Thủ đô chấp hành quy định này còn lơ là, chủ quan.
Quy định một đường, thực hiện một nẻo
Từ 12h ngày 16/9/2021, TP Hà Nội đã bắt đầu cho phép các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ được bán mang về) của 19 quận, huyện, thị xã được mở cửa, với điều kiện bắt buộc là phải tạo điểm quét QR Code để khách đến mua hàng khai báo.
Quy định này tiếp tục được khẳng định lại trong Chỉ thị số 22 của Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19: “Yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, các chủ kinh doanh cũng như người dân Thủ đô thực hiện quy định còn nhiều lơ là, chủ quan. Trên con phố Thụy Khuê, một trong những “thiên đường ẩm thực” của thành phố, rất nhiều nhà hàng, quán ăn đã mở bán mang về, thu hút số lượng lớn người dân có nhu cầu đến mua hàng.
Mặc dù vậy, trái ngược với quy định của thành phố, nhiều cơ sở kinh doanh không thực hiện tạo điểm quét QR Code để người mua hàng khai báo y tế, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Một số hàng quán bán đồ ăn vặt như bánh mì, bánh giò, bún phở… đều không thấy sự xuất hiện của mã QR Code.
Trong khi đó, một số cơ sở kinh doanh tuy đã tạo điểm quét mã QR Code nhưng chỉ để cho có nhằm đối phó với lực lực chức năng, lơ là trong việc nhắc nhở người mua hàng khai báo y tế.
Theo quan sát của PV, người dân và người giao hàng “vô tư” mua hàng mà không tự giác, chủ động trong việc khai báo y tế, dù việc quét mã QR Code chưa mất đến 5 giây.
Vừa cầm trên tay suất cơm sườn mới mua, anh H.T.M. (43 tuổi, Thụy Khuê) vừa cười xòa khi được hỏi vì sao không quét mã QR Code: “Vì nhà tôi cách đây chưa đến 1 cây số, mà lấy hàng cũng rất nhanh nên tôi nghĩ cũng chẳng cần thiết phải khai báo”.
Còn chị N.P.T. (26 tuổi, Hoàng Hoa Thám) cho hay: “Một phần vì mải mua hàng quá, phần vì chủ kinh doanh cũng không nhắc nhở nên tôi cũng quên mất không khai báo”.
Tăng cường kiểm soát của chính quyền địa phương
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tình trạng chủ kinh doanh và người dân lơ là trong việc thực hiện khai báo QR Code gây khó khăn trong việc theo dõi, kiểm soát và truy vết các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang dần có chuyển biến tốt hơn, người dân di chuyển nhiều và tự do hơn.
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân, cho rằng tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tốt, dẫn đến lơ là công tác khai báo y tế. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh chưa chấp hành nghiêm việc tạo điểm quét QR Code còn do nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa nắm rõ các quy định hay còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện. Một phần cũng do chưa có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ chính quyền địa phương sở tại.
Luật sư Tiền cho biết thêm, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc khai báo y tế là một trong các biện pháp phòng, chống Covid-19. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh việc khai báo y tế, không tạo điểm quét QR Code để khách đến mua hàng khai báo có thể bị phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Vi phạm quy định khác về y tế dự phòng. Đối với các tổ chức kinh doanh, mức phạt lên đến từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư Tiền cũng đề xuất, mặc dù đã có các quy định xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm, nhưng để việc chấp hành các quy định về khai báo y tế được thực hiện nghiêm chỉnh, cần có sự giám sát của cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ một cách chặt chẽ hơn. Ngoài ra cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân, tránh xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan dẫn đến tình hình dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, đối với việc người dân không chủ động khai báo y tế thì tùy vào mức độ vi phạm, hậu quả gây ra sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vi phạm nhưng chưa làm lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng về hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”, theo điểm “a”, khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp không khai báo y tế hoặc khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối mà dẫn đến lây truyền dịch bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người dân” theo điểm c, khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự hiện hành; phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một đến 5 năm.