Lòng tham sập bẫy
Không chỉ trắng tay vì tiền ảo, không ít người còn phải vào viện tâm thần để cắt cơn nghiện giao dịch, kiếm tiền. Đó là thực tế đáng buồn đã và đang diễn ra nhưng không phải ai cũng kịp dừng bước trước vực thẳm, không phải ai cũng nhớ lời cổ nhân “quay đầu là bờ”.
Tiền ảo là tiền kỹ thuật số không do ngân hàng phát hành. Tại Việt Nam, pháp luật không thừa nhận tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, sự vắng mặt của các quy định có nghĩa là thị trường tiền ảo vẫn cứ tồn tại, cuốn vào đó không ít người và mà hồi kết thường là rất cay đắng. Đáng chú ý, trong cơn lốc đại dịch Covid-19, số người “đào” tiền ảo chẳng những không giảm, trái lại còn gia tăng. Với một thị trường biến động khủng khiếp như tiền ảo, khi thua, người chơi gần như sẽ mất tất cả.
Nhiều người cho rằng, giao dịch tiền ảo không khác gì một “cú đấm” của ma túy. Nó có tác động gây nghiện cao như một dạng cờ bạc, khiến người ta phấn khích, theo đuổi, bất chấp tan gia bại sản. Nhân đây, cũng xin kể một câu chuyện, bác sĩ Tony Marini - một chuyên gia tại Bệnh viện Castle Craig (Vương quốc Anh) cho biết ông đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nghiện tiền điện tử chỉ trong mấy tháng trở lại đây.
Tại Anh, bên cạnh bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đã xuất hiện một loại phòng khám đặc biệt để điều trị riêng cho những người nghiện giao dịch tiền ảo. “Để kiếm tiền, bạn có thể giao dịch 24/7, trên điện thoại của bạn, máy tính xách tay và cả trong phòng ngủ. Như vậy, không nghiện mới là chuyện lạ” - bác sĩ Tony Marini nói với CNN.
Chính tính chất đặc thù của các thị trường tiền điện tử, như dễ tiếp cận, hoạt động liên tục và có nhiều sự biến động mạnh trong thời gian ngắn đã khiến nhiều người bị nghiện khi tham gia. Và nhiều người đã kết thúc “sự nghiệp giao dịch” của họ trong phòng khám bệnh.
Theo giới chuyên gia tâm lý, một điểm rất đáng chú ý là nhiều người “đào” tiền ảo luôn nói với người khác rằng họ đang kiếm được rất nhiều tiền. Kể cả người đang thua lỗ cũng nói như vậy và chính điều đó đã kích thích lòng tham của người khác, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, trong đó có nhiều người mê công nghệ. Nhưng mấy ai chịu hiểu rằng nếu đầu tư ở bất cứ lĩnh vực gì mà không có kiến thức trong đầu thì cũng chỉ là đánh bạc, cầm chắc phần thua. Với tiền ảo, sự thất bại dẫn đến trắng tay còn nhanh hơn rất nhiều. Công nghệ đằng sau các đồng tiền điện tử là hết sức phức tạp, người có khả năng làm chủ nó chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy chuyện sập bẫy chỉ là vấn đề thời gian.
Một vấn đề khác, mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh bảo rủi ro khi tham gia đầu tư vào sàn Forex, nhưng thật đáng lo ngại là nhiều người, trong đó cả những công nhân thu nhập thấp vì hám lợi vẫn lao vào, dẫn đến tiền mất tật mang. Một người từng mất đứt 300 triệu đồng từ kiểu “đầu tư” này cho biết, lúc đầu cũng chỉ từ nghe lời bạn bè bỏ tiền thật để đầu tư tiền ảo qua ứng dụng nhắn tin (Telegram), dưới hình thức ký gửi vốn cho chuyên gia chơi. Người đầu tư không phải trực tiếp chơi, không mất thời gian mà lợi nhuận thu được cao.
Nhưng đâu có ngờ, số tiền cứ nâng lên cao mãi. Say mồi, nhiều người “xuống tiền” như thiêu thân. Những nhà “đầu tư hộ” ngon ngọt thuyết phục nên người chơi vay tiền hết lần này đến lần khác để tham gia. Nhưng đến lúc nhận được thông báo “cháy tài khoản” thì cũng là lúc nợ nần chất cao như núi, không biết tìm ai để lấy lại.
Thực tế cho thấy, việc “đầu tư” thông qua sàn Forex đã khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, có người phải trốn chui trốn lủi, cánh cửa tương lai đã khóa chặt. Về phía người tham gia là rất đáng trách, nhưng còn những kẻ dẫn dắt, mồi chài, lừa đảo thì sao? Rất cần phải bị nghiêm trị. Đây cũng có thể coi là một dạng tội phạm công nghệ cao, đòi hỏi phải có công cụ hữu hiệu và rất trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu không, sự việc sẽ còn diễn biến xấu, nếu không muốn nói là rất xấu.