Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ

Thúy Hằng - Lan Hương 24/09/2021 05:46

Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết 68, đến nay việc vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất mới giải ngân được 5% (tổng kinh phí 7.500 tỷ đồng). Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù đang rất “khát” vốn nhưng lại khó tiếp cận vì hàng rào thủ tục.

Vướng thủ tục

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, Tổng công ty đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ và vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 tuy nhiên vẫn chưa tiếp cận được gói vay.

Cụ thể, với gói vay ưu đãi để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất phải đạt điều kiện đã quyết toán thuế năm 2020. Song do dịch bùng phát trở lại, Cục Thuế Hà Nội chưa quyết toán thuế năm vừa qua cho VNR, nên tổng công ty không đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi để trả lương.

Về hỗ trợ tiền mặt với người lao động hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, theo Quyết định 23, chỉ áp dụng với doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người lao động mới được hỗ trợ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNR cho biết, hiện nay lao động ngành đường sắt rất khó khăn. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt. Điều này khiến người lao động phải tạm nghỉ việc, các đơn vị phải cho 1.637 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương. Trong đó số lao động bị hoãn hợp đồng lao động là 1.565người; số lao động nghỉ không lương là 72 người.

“Hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn đang nỗ lực cân đối duy trì việc làm cho người lao động để khi dịch được kiểm soát, sản lượng vận chuyển phục hồi thì nhân lực kịp thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu có thể xảy ra, do đó việc không có đủ dòng tiền trả lương người lao động” - ông Minh nói.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty THHH vận tải Phúc Xuyên cho biết, khoảng 2 tháng nay doanh nghiệp của ông thuộc diện được vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất, nhưng đến nay sau bao ngày mong ngóng vẫn chưa được tiếp cận gói hỗ trợ. Nguyên nhân cũng vướng yêu cầu “phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”.

Đại diện một số DN cho biết, bản thân DN cũng như nhiều người lao động đang rất quan tâm, trông đợi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Để hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm (quy mô 7.500 tỷ đồng).

Đến ngày 10/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 367,5 tỷ đồng. Như vậy sau hơn 2 tháng triển khai chỉ mới có khoảng 5% lượng tiền được giải ngân - một tỷ lệ rất thấp.

Nghịch lý

Báo cáo của nhiều địa phương cho biết, chính sách vay vốn để trả lương với lãi suất 0% theo Nghị quyết 68, được đánh giá là “bệ đỡ” không chỉ của DN mà còn góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động. Tuy nhiên, đây lại là chính sách giải ngân thấp nhất trong các chính sách hỗ trợ tại gói 26 nghìn tỷ đồng.

Đơn cử tại Hải Dương, theo thống kê của Sở LĐTB&XH có 45 doanh nghiệp với hơn 50 nghìn lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, 38.175 lao động ngừng việc có thời hạn, 73 người chấm dứt và tạm hoãn hợp đồng lao động, 114 doanh nghiệp giải thể. Tuy nhiên, thống kê đến ngày 15/9 mới có 2 trường hợp là DN vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 37 người lao động với tổng số tiền hơn 140 triệu đồng.

Thực tế, theo đánh giá so với những gói vay trong năm 2020 thì gói vay trả lương lần này đã có nới lỏng về điều kiện hơn, song mức độ tạo điều kiện vẫn cách xa so với thực tế mà DN gặp phải. Đáng nói là có những DN đủ điều kiện vay, nhưng nguồn vay dự kiến chỉ khoảng 30-50 triệu đồng cho 3 tháng, số vốn vay quá ít nên bản thân DN không mặn mà. Trong khi đó nhiều DN nhỏ và vừa có nhu cầu nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện. Đây là nghịch lý cần sớm được tháo gỡ.

Nhìn nhận về những hạn chế sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số quy định đang cản trở DN vay vốn để trả lương người lao động.

“Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Khảo sát về tình hình sức khỏe tài chính của hơn 21.500 doanh nghiệp trong cả nước, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, rất nhiều đề xuất, kiến nghị đã được DN nêu ra, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ vay vốn và tiêm vaccine để DN vực dậy để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thúy Hằng - Lan Hương