‘Chìa khóa’ mở cửa cuộc sống

Hà Anh 24/09/2021 08:29

Các chuyên gia y tế đánh giá, Covid-19 không thể bị xóa sổ, nhưng để nghĩ đến một cuộc sống bình thường như trước khi Covid-19 xuất hiện đang là một “giấc mơ” có thể thực hiện, nếu các nước có được tỷ lệ tiêm chủng cao, cả với trẻ em…

Không thể “xóa sổ” Covid-19?

Theo giới chuyên gia y tế, “kiểm soát” tức là nỗ lực để dịch bệnh lây lan ở mức độ thấp với sự hỗ trợ của các biện pháp can thiệp y tế công cộng như vaccine. “Loại bỏ” tức là tỷ lệ mắc bệnh đã được làm giảm ở một khu vực địa lý nhất định xuống còn con số 0. “Xóa sổ” tức là tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới đã được đưa về con số 0. Và “tiêu diệt” tức là ngay cả các mẫu bệnh được bảo quản trong các phòng thí nghiệm đảm bảo an ninh nghiêm ngặt cũng bị tiêu hủy.

Hồi kết của đại dịch Covid-19 sẽ không giống với bệnh đậu mùa hay thủy đậu trong lịch sử dịch bệnh thế giới, bởi virus SARS-CoV-2 có những đặc điểm khiến dịch bệnh này không thể bị xóa sổ, trong đó phải kể đến khả năng lây nhiễm cao, các triệu chứng của bệnh có thể bị nhầm lẫn là các bệnh hô hấp thông thường khác và khả năng virus có thể lây lan trong thời kỳ tiền triệu chứng.

Nhiều loại vaccine an toàn và hiệu quả đang giúp đảo ngược tình thế, đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng. Vì vậy, cuối cùng, virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, tức là nó vẫn tồn tại dai dẳng nhưng chỉ gây nên tỷ lệ mắc bệnh ở mức độ thấp và có thể kiểm soát được tại một khu vực nhất định.

Thực tế này cần được các nước chấp nhận để từng bước xác định mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Monica Gandhi, giáo sư tại Đại học California, San Francisco nhận định, trong một vài tháng tới, sự lây lan virus ở Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức thấp mà nước này không cần áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, xét nghiệm hay truy vết tiếp xúc. Điều này đã diễn ra ra ở Đan Mạch, Ireland, Chile và Anh.

Những nước trên có tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn Mỹ nhưng với quy định tiêm vaccine bắt buộc, việc tiêm chủng cho trẻ em đang được cân nhắc và tỷ lệ miễn dịch tự nhiên cao sau làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây nên, tình hình ở Mỹ sẽ phần nào khả quan hơn.

Giống như các quốc gia khác, Mỹ sẽ học cách chấp nhận sự lây lan của virus không còn gây nên tỷ lệ nhập viện cao và điều trị các triệu chứng của dịch bệnh khi số ca mắc tăng lên tương tự như với các bệnh truyền nhiễm mà nhân loại không thể xóa sổ.

Cần đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 80%

Tại Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại khi ít nhất 80% dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, những chuyên gia khác cho rằng, cuộc sống bình thường chỉ có thể nối lại cho tới khi các bệnh viện không bị quá tải hoặc tỷ lệ mắc Covid-19 tại địa phương dưới 10 ca/100.000 người/ngày.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng không cần hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu nữa. Thay vào đó, là tập trung vào việc nghe ngóng xem liệu người thân hoặc gia đình của họ gần đây có thường xuyên phơi nhiễm trước virus hay không như một dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 có đang phổ biến trong cộng đồng không.

Chia sẻ trên tạp chí Business Insider, ông Chris Beyrer, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết: “Việc đi lại quốc tế tới những nơi mà mức độ tiếp cận vaccine vẫn còn thấp là điều sai lầm”, đồng thời nhận định: “Nếu may mắn, chúng ta có thể nối lại hoạt động này vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo tôi, cho tới khoảng giữa năm 2023 sẽ thực tế hơn”.

Ông Beyrer ước tính, các quốc gia cần đạt tỷ lệ tiêm vaccine trên 80%, có lẽ là khoảng 85% hoặc 90% để chấm dứt sự lây nhiễm của biến thể Delta.

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ bắt đầu đạt được tiến triển khi thực hiện nhiều biện pháp bắt buộc hơn và có độ phủ vaccine cao hơn, cũng như thông qua vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi”- ông Beyrer cho hay.

Không quan tâm đến số ca mắc trên toàn quốc như nhiều ý kiến khác, bà Cindy Prins, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida, lại chú ý nhiều hơn đến tỷ lệ mắc bệnh tại địa phương để quyết định khi nào sẽ quay lại ăn uống trong các nhà hàng và rèn luyện thể lực tại các phòng tập thể hình.

“Tôi sẽ quyết định điều đó có lẽ đến khi chỉ ghi nhận 10 ca mắc/100.000 người, bởi khả năng bạn gặp ai đó mắc Covid-19 vào thời điểm đó sẽ trở nên thấp hơn nhiều. Tôi cảm thấy đây sẽ là tỷ lệ phù hợp” - bà Prins nói.

Trong khi đó, theo bà Piltch-Loeb, Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, vẫn cần tránh tham gia các buổi hòa nhạc trong nhà và các sân vận động không yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine, cũng như các địa điểm công cộng không áp dụng đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Để quay lại các hoạt động này, bà cần cảm thấy tự tin sẽ luôn có nhiều giường bệnh sẵn có tại nơi mà bà sinh sống.

Chuyên gia Piltch-Loeb đánh giá: “Sẽ có những điều bình thường mới với tất cả mọi người và tôi đang chờ đợi tương lai này vào năm 2022”.

Còn đối với bà Ellen Eaton, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama tại Birmingham, nên chờ đợi tới khi trẻ em được tiêm vaccine thì mới cân nhắc đến việc tổ chức tiệc trong nhà cùng bạn bè hay cho phép con cái tới nhà thờ.

“Thậm chí, ngay cả sau khi con cái của tôi được tiêm vaccine, tôi có lẽ vẫn sẽ trì hoãn các hoạt động trên cho tới khi có ít ca mắc Covid-19 hơn trong cộng đồng của mình” - bà Eaton nói.

Hiện nay, các hoạt động như đi lại quốc tế, tham gia các bữa tiệc hoặc dự các cuộc họp đang được nghĩ đến, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, những hoạt động này có lẽ sẽ chưa xảy ra cho tới ít nhất là năm sau và điều đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu có một biến thể mới xuất hiện có thể áp đảo biến thể Delta hay không.

Hà Anh