‘Dìu’ nền kinh tế

Tinh Anh 24/09/2021 11:00

Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm 2021. Trong đó, có đối tượng được miễn một số loại thuế, đối tượng khác lại được hỗ trợ từ việc giảm thuế, nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cụ thể, đối với cá nhân, hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt... phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong hai quý cuối năm 2021. Các trường hợp đã nộp thuế sẽ được trừ vào các kỳ tiếp theo, hoặc hoàn thuế.

Riêng đối với doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021) ở một số lĩnh vực nhất định: Giao thông vận tải, các loại dịch vụ liên quan đến ngành du lịch, xuất bản, nghệ thuật và giải trí... Trừ DN xuất bản phần mềm, các hàng hóa, dịch vụ thực hiện trên nền tảng trực tuyến.

Tất cả các DN thuộc diện được hỗ trợ đều sẽ được giảm 30% thuế giá trị gia tăng (dù nộp thuế theo phương pháp khấu trừ hay tỷ lệ %) trong thời điểm từ 1/10 đến 31/12. Có thể nói, đây là “cứu cánh” cho đại bộ phận các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19, giúp họ trụ vững qua “ải sinh tử”.

Không kể các đợt hỗ trợ trước của Chính phủ, chỉ tính từ đầu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tới nay, Chính phủ đã rất nhiều lần đưa ra những giải pháp nhằm giúp các cá nhân, hộ kinh doanh và DN có thể tồn tại, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Nỗ lực của Chính phủ là để “dìu” nền kinh tế dần hồi phục, phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Có thể khẳng định, vai trò của cộng đồng DN đối với nền kinh tế là rất lớn khi đóng góp tới hơn 60% GDP của cả nước. Số lượng DN ngày càng nhiều lên, phát triển càng lớn mạnh đồng nghĩa với việc nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Ngược lại, DN dừng sản xuất, phá sản càng nhiều cũng có nghĩa nền kinh tế sẽ khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng.

Đó là lý do mà Chính phủ ưu tiên đưa ra những giải pháp hỗ trợ cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh và DN, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách giảm. Lựa chọn “cứu” DN là một lựa chọn vô cùng sáng suốt và đúng đắn, bởi chỉ có vậy mới có thể vực dậy nền kinh tế đang bị suy yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho cá nhân, hộ kinh doanh, DN là hết sức thiết thực, kịp thời. Nếu không có sự “nâng đỡ” đó, số lượng DN phải dừng sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản sẽ còn “khủng” hơn nhiều thực tế chúng ta đã biết. Cũng nhờ sự hỗ trợ, nhiều DN đã được “hồi sinh”.

Trên thực tế có khá nhiều DN do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã không còn cầm cự được đến ngày nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, bởi DN ngừng sản xuất hay phá sản cũng đồng nghĩa với việc giảm thu ngân sách, gia tăng người thất nghiệp, khó đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Vì thế, qua 4 làn sóng đại dịch Covid-19, dù giảm thu ngân sách, dù còn rất nhiều khó khăn do phải tập trung nguồn lực phòng chống dịch, Chính phủ vẫn quyết tâm dành sự quan tâm hỗ trợ đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, DN. Chính vì vậy, Việt Nam luôn là điểm sáng về phát triển kinh tế không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, trong khi các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang “ì ạch”, thậm chí tăng trưởng âm.

Tinh Anh