Lên núi ‘bắt sóng’ học trực tuyến
Sau ngày khai giảng, hàng trăm học sinh miền núi cao xứ Nghệ được bố mẹ dựng lán trên núi cao để “bắt sóng” học trực tuyến. Nếu như trước đây, việc lên núi với các em chủ yếu làm nương rẫy, nay các em lên núi mới “gặp” được thầy cô, bạn bè, được tiếp cận bài học mới qua chiếc điện thoại.
Dựng chòi theo đuổi con chữ
Cho đến thời điểm này, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Vì vậy, việc dạy học trực tuyến có thể sẽ có phải kéo dài với địa phương này. Tuy nhiên, nếu học trực tuyến ở vùng đồng bằng, trung tâm khó một thì nơi đây khó đến gấp năm, gấp mười lần, đặc biệt là ở những xã đặc biệt khó khăn như Tri Lễ, Nậm Nhón, Quang Phong, Cắm Muộn,...
Hơn 2 tuần nay, Xồng A Dần (12 tuổi) trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ là học sinh lớp 6A1 (Trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong) không thể xuống núi nhập trường, bởi xã của em đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Bản em năm nay chỉ em và một bạn cùng đậu vào trường dưới huyện. Sau khi biết mình trúng tuyển, bố mẹ cố gắng mua cho em chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Tuy nhiên, đang chuẩn bị “khăn gói” xuống núi thì xã em có ca mắc Covid-19, toàn xã cách ly. Sau ngày khai giảng, em phải lên núi kiếm sóng học trực tuyến”- Dần cho biết.
Xồng A Thành người cùng bản Mường Lống với Dần, do gia cảnh khó khăn, nên Thành phải học ké qua chiếc điện thoại của Dần. “Có những buổi đang học thì bị mất sóng wifi, chúng em lại thay nhau chạy quanh ngọn đồi để “bắt sóng”. Khi vào được lớp thì một vài tiết học đã bị trôi qua. Mặc dù khó khăn nhưng chúng em không bỏ cuộc”- Thành nói.
Đến tận nhà học sinh để giảng bài
Theo thống kê của ngành giáo dục Nghệ An, hiện toàn tỉnh vẫn đang có 69.727 học sinh các cấp đang thiếu phương tiện, thiết bị (hơn 42.000 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn). Đặc biệt, có 23.919 (tỷ lệ 3,77%) học sinh có nơi ở không kết nối được Internet khiến việc học trực tuyến vẫn đang là vấn đề nan giải. Do đó, nhiều nơi, giáo viên phải trực tiếp xuống tận gia đình các học sinh để giảng bài.
Đơn cử như tại trường THPT Quế Phong, qua khảo sát, trong số hơn 1.400 học sinh của trường, chỉ có 50% học sinh đủ phương tiện dạy học. Trong khi đó, tại Trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, để các em không bị gián đoạn việc học ở những nơi có sóng Wifi, các giáo viên phải rất linh động với nhiều hình thức.
Ngoài việc giao bài chung từ trước cho cả lớp, những em không tham gia được lớp học trực tuyến hoặc sóng kém, các cô giáo bộ môn phải nhắn tin, gọi điện nhắc lịch cập nhật bài giảng, bài tập hoặc chụp lại phiếu giao bài tập rồi gửi qua Zalo, Facebook, thậm chí đến tận nơi để giảng bài, ra bài.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quế Phong cho biết, hiện trường THCS Quế Phong có 50 học sinh thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo…Với nhóm học sinh này, giáo viên bộ môn không chỉ gọi điện thoại mà còn trực tiếp đến tại nhà để gặp và trao đổi với học sinh, phụ huynh.
Cũng theo bà Ngân, để học sinh của mình có phương tiện học, các giáo viên phải rất vất vả khi vận động. Bởi dịp này do dịch bệnh nên trường chưa họp mặt trực tiếp nên giáo viên phải gọi điện thoại cho từng phụ huynh.
“Tuy nhiên, câu chuyện trao đổi qua điện thoại thực sự gặp khó khăn khi nhiều phụ huynh người Mông, Khơ Mú,... còn chưa nghe, nói rõ tiếng Kinh nên các giáo viên phải rất kiên nhẫn thuyết phục, phân tích cho phụ huynh hiểu” - bà Ngân nói.
Sau nhiều ngày phát động thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” toàn tỉnh Nghệ An đã huy động được gần 11 tỷ đồng, trong đó có 3,1 tỷ đồng tiền mặt, 110 máy tính, 1.863 điện thoại, 5.500 sim 4G và 125 tài khoản học trực tuyến.