Nhiều nút thắt trong đào tạo lĩnh vực đặc thù - Bài 3: 'Một cổ nhiều tròng'

Nguyễn Hoài 24/09/2021 14:00

Với các môn năng khiếu khó, khổ như múa, xiếc hay nhạc, việc đào tạo nghệ thuật cần khoảng thời gian dài, thậm chí lên tới 10 năm nên khó có thể đánh đồng với đào tạo các ngành nghề khác chỉ cần tối đa 3 năm.

Trước yêu cầu không tổ chức dạy văn hóa trực tiếp mà phải liên kết với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) của Sở GDĐT Hà Nội, đại diện lãnh đạo các trường cho rằng, yêu cầu này chưa phù hợp và không thể tiến hành gấp gáp ngay trong năm học 2021-2022.

Băn khoăn tính khả thi

Nêu lý do dẫn đến sự việc này, ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: Yêu cầu của Sở GDĐT Hà Nội dựa trên cơ sở thực hiện theo đúng các quy định của luật, trong đó có Luật Giáo dục 2019.

Các học viên của Học viện Múa Việt Nam.

Luật Giáo dục năm 2019 có quy định nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu dạy chương trình GDTX cấp THPT thì cần phối hợp với các trung tâm GDTX có thẩm quyền. Theo luật là như vậy nhưng với các trường đào tạo nghệ thuật như Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, từ nhiều năm nay, nhà trường đã có khoa Văn hóa phổ thông, đào tạo theo quy trình khép kín mang tính đặc thù.

Ông Thắng nhìn nhận, luật đã quy định cụ thể thì các nhà trường phải nghiêm chỉnh chấp hành song yêu cầu thực hiện nêu trên có phần chưa phù hợp với các yêu cầu thực tiễn đào tạo nghệ thuật.

Hơn nữa, yêu cầu của Sở GDĐT Hà Nội được nêu ra ngay sát với kỳ tuyển sinh và năm học mới, theo ông Thắng, yêu cầu này chưa khả thi và không thể tiến hành gấp gáp ngay trong năm học 2021-2022. Thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng, gây xáo trộn đến công tác đào tạo ở các trường.

Việc đào tạo nghệ thuật cần khoảng thời gian dài nên khó có thể đánh đồng với đào tạo các ngành nghề khác chỉ cần tối đa 3 năm.

Trao đổi với phóng viên, TS.NSƯT Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho hay, hiện nay học sinh đào tạo nghệ thuật đang thuộc diện hưởng trợ cấp của Nhà nước theo đề án đào tạo các chuyên ngành khó tuyển sinh. Nếu phải thực hiện đào tạo văn hóa tại các trung tâm GDTX thì học sinh sẽ phải chịu mức học phí văn hóa theo quy định của trung tâm GDTX.

Điều này sẽ gây khó khăn về kinh phí cho nhiều gia đình. Ngoài ra, các em sẽ chịu sự quản lý của cả trường nghệ thuật và trung tâm GDTX, gây khó khăn về mặt quản lý trong giáo dục, đào tạo.

TS.NSƯT Trần Quang Hải nêu quan điểm, lứa tuổi đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật ở mỗi trường đều rất khác nhau, không thể theo công thức chung giống như đào tạo ở các ngành nghề khác trong xã hội.

Cần những quy định riêng cho đào tạo nghệ thuật

Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho rằng, việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo nghệ thuật với các trung tâm GDTX cần có sự nghiên cứu, bàn thảo cụ thể chứ không thể vội vàng. Quan trọng nhất vẫn phải là hiệu quả của chất lượng đào tạo.

Hiện nay, việc kết hợp GDTX tại các trường nghệ thuật của Bộ VHTT&DL vẫn đang được duy trì theo hướng mở và tùy theo điều kiện của từng trường, có trường có riêng một khoa văn hoá thực hiện đào tạo hệ GDTX; trường không có điều kiện thì kết hợp với các trung tâm GDTX trên địa bàn để phối hợp đào tạo văn hoá.

Theo đại diện lãnh đạo các trường, các cơ sở đào tạo đặc thù nghệ thuật cần có những quy định về đào tạo riêng.

Quá trình chúng tôi làm việc với các trường, đại diện lãnh đạo các trường cho biết, 4 trường đào tạo nghệ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, gồm: Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, đã có ý kiến với Sở GDĐT Hà Nội xem xét, cho phép chủ động đào tạo văn hoá phổ thông tại trường như trước đây.

Tuy nhiên, dù năm học mới đã bắt đầu nhưng tới thời điểm này, các trường vẫn chưa nhận được câu trả lời của Sở GDĐT Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các trường cho hay, trong khi chờ đợi hướng dẫn của cơ quan quản lý, trước mắt họ vẫn đang triển khai dạy học văn hóa như trước đây.

Các trường đào tạo nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… có 3 bộ cùng quản lý là: Bộ VHTT&DL, Bộ GDĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Sự chống chéo về thực thiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo đã tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục nghệ thuật.

Trước đó, việc học viên nhập học hệ cao đẳng từ năm 2012 đến năm 2016 của Học viện Múa Việt Nam không thể lấy bằng tốt nghiệp THCS, THPT, Trung cấp chuyên nghiệp cũng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Được biết, tại nhiều cuộc làm việc giữa các bộ, ngành, nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định riêng cho các cơ sở đào tạo đặc thù nghệ thuật đã được nêu ra. Tuy nhiên, cho đến nay những bất cập, vướng mắc bởi các quy định trong đào tạo nghệ thuật vẫn chưa được tháo gỡ.

Lãnh đạo hai trường: Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chia sẻ với chúng tôi, họ hi vọng rằng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ sớm được thông qua để nhiều bất cập, vướng mắc được khơi thông.

Về yêu cầu các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên địa bàn TP Hà Nội không tổ chức dạy văn hóa trực tiếp, tại cuộc họp với các trường do Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ VTTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, việc giảm tải môn văn hóa, tăng cường tiết học chuyên ngành của các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật đã được sự thống nhất thành chủ trương, văn bản thực hiện nhiều năm nay là để hướng tới đào tạo nghệ sĩ tài năng cho nền nghệ thuật nước nhà. Làm sao để học sinh ở các trường nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn cho tới văn hoá là mục đích cao nhất đối với tất cả các trường hiện nay. Và vì vậy, sẽ rất cần một sự thấu hiểu, chia sẻ từ các bộ, ngành liên quan để công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguyễn Hoài