Trẻ em ở 'xóm phao' ven sông Hồng: Mong mỏi ngày quay trở lại trường
Suốt gần 3 tháng nay, các em nhỏ sinh sống tại làng chài ven sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã quen dần với việc thiếu thốn trang thiết bị học tập online tại nhà. Thế nhưng, xa trường, xa lớp thời gian dài làm bọn trẻ thấy nhớ thầy cô, bạn bè.
Bây giờ con chỉ muốn đến trường thôi.
Tại sao con thích đến trường?
Đến trường được gặp thầy cô, các bạn, được vui chơi nên con thích.
Đây là câu trả lời của những đứa trẻ sinh sống tại "xóm phao" ven đê sông Hồng khi được hỏi về lý do vì sao muốn được đến trường. Gần 3 tháng nay, mặc dù điều kiện thiếu thốn, thế nhưng những đứa trẻ nơi đây đã quen dần với việc học online tại nhà.
Thiếu thốn trăm bề
Cách trung tâm thành phố khoảng 1,5 km, men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống, lối vào làng chài ven sông Hồng những ngày này bỗng nhộn nhịp hơn nhờ tiếng trẻ nhỏ học chữ. Không khí vắng lặng đến trầm buồn nhờ vậy cũng được xua tan phần nào.
Tuy nhiên, những đứa trẻ nơi đây luôn mong mỏi ngày được quay trở lại trường bởi trang thiết bị phục vụ cho việc học online còn nhiều thiếu thốn.
Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những người lao động sinh sống tại "xóm phao" ven sông Hồng rơi vào cảnh thất nghiệp. Gia đình anh Nguyễn Hùng Cường (34 tuổi, quê ở Bắc Ninh) chuyển đến xóm làng chài ven sông Hồng gần 10 năm nay, đây cũng là lần đầu anh và vợ không biết phải làm gì để có tiền trang trải cho cuộc sống thường ngày.
Anh Cường cho biết, từ ngày hàng quán đóng cửa, công việc bảo vệ tại quán ăn phải tạm ngừng, không lâu sau vợ cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Từ ngày đó, anh chỉ biết quẩn quanh nơi "xóm phao" ven đê sông Hồng, vợ chồng thường xuyên phải thay phiên nhau trông những đứa con.
“Trước đây thu nhập của 2 vợ chồng tôi dù ít nhưng vẫn có đồng ra đồng vào để trang trải cho cuộc sống. Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách, mất việc, tôi bàn với vợ vay mượn thêm để có thể trang trải chi phí cho mọi khoản sinh hoạt”, anh Cường than thở.
Cũng trong khoảng thời gian này, con trai lớn và con thứ của anh đều không được đến trường. Bước vào năm học mới, cô giáo thông báo học online. Anh xoay sở trăm bề mới sắm được cho con chiếc điện thoại để việc học của con không bị gián đoạn.
“Đứa lớn nhà tôi năm nay học lớp 4, đứa thứ 2 học lớp 3, cả 2 cháu học cùng trường. Biết gia đình khó khăn, nhà trường đề nghị hỗ trợ thiết bị học tập là chiếc máy tính, hôm trước vợ tôi có mang về. Tuy nhiên, ở dưới này thì không biết lấy đâu ra điện nên tôi đang kiến nghị với nhà trường đổi cho cháu chiếc điện thoại hoặc ipad để cháu có thể dùng sim kết nối internet”, anh Cường thông tin thêm.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ không thuê nổi nhà mặt đất, gia đình 5 người của anh hiện đang sống tại căn nhà nổi ven sông Hồng. Hữu Nghĩa năm nay lên lớp 3, nhà em đặc biệt khó khăn, thiếu điện, thiếu nước sạch và luôn thấp thỏm nỗi lo nhà sẽ ngập mỗi khi có bão. Dịch bệnh kéo dài, cả bố và mẹ của em đều mất việc và chưa tìm được công việc mới.
Bước vào năm học mới Hữu Nghĩa và anh trai không có thiết bị để học trực tuyến. Điện thoại của mẹ quá cũ để có thể cài được phần mềm Zoom. Mẹ chỉ có thể giúp các con thông qua tin nhắn của cô giáo trên Zalo. Mẹ của em rất lo lắng...
“Con chỉ muốn được đến trường”
Cùng cảnh với anh Cường, gia đình chị Trần Thị Thanh Thảo (27 tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội) cũng có 2 con nhỏ. Thời gian này, 2 em đều ở nhà học online. Thành phố áp dụng giãn cách, công việc đánh bắt của chị tuy không bị ảnh hưởng nhiều nhưng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ cho con học hành.
Bước vào năm học mới, chị Thảo cũng mất khoảng 1 tuần vật lộn với công việc học online của 2 con. Từ việc cài ứng dụng Zoom đến việc hướng dẫn con học, không để bị thoát ra khi đang theo dõi bài giảng của cô giáo.
Quanh năm sinh sống ở ven sông Hồng, khi các con buộc phải ở nhà học online, chị ngậm ngùi bớt số tiền tích góp được từ nhiều năm nay của 2 vợ chồng để sắm cho con chiếc điện thoại, với mong muốn con nhỏ được học chữ như những đứa trẻ cùng trang lứa.
Hàng ngày chị Thảo phải nhờ bà ngoại đến nhà giúp trông nom các cháu, đồng thời giám sát việc học hành của 2 em.
“Ở dưới này điều bất cập nhất là mạng chập chờn, thiết bị học cho các cháu rất hạn chế. Đợt vừa rồi, tôi cắn răng, bớt chi tiêu mới sắm thêm cho con út 1 chiếc điện thoại. Để 2 chị em không phải tranh dành nhau mỗi khi đến giờ học”, chị Thảo tâm tình.
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề là thế nhưng dường như những đứa trẻ nơi đây từ lúc sinh ra đã quen với việc chịu đựng thiếu thốn, thiệt thòi. Suốt gần 3 tháng nay, vượt qua mọi thử thách, những đứa trẻ quanh năm “lênh đênh” trên mặt nước không để vắng một buổi học nào.
Trong suy nghĩ non nớt của chúng vẫn hi vọng về một ngày tựu trường không xa. Con gái chị Thảo, năm nay mới lên lớp 3, thế nhưng em đã phải làm quen với chiếc điện thoại.
Biết bố mẹ hy sinh nhiều, chị em Trần Linh Chi - đang học tập tại trường tiểu học Thúy Lĩnh cũng không dám đòi hỏi gì thêm. Khi được hỏi thích đến trường không, các em vô tư đáp “có”. Đôi mắt ánh lên niềm hi vọng, chị em Chi kể cho chúng tôi nghe về niềm vui khi được đến trường.
"Đến trường vui lắm, được gặp nhiều bạn bè, có thầy cô hướng dẫn, không gian vui chơi rộng rãi. So với việc học online tại nhà, đến trường thích hơn nhiều", Linh Chi ánh mắt rạng rỡ nói.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Đăng Được, trưởng thôn của "xóm phao" chia sẻ: “"Xóm phao" hiện có 32 hộ với 100 nhân khẩu sinh sống, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn. Từ ngày thành phố áp dụng giãn cách xã hội, người dân tại "xóm phao" hầu hết là mất việc làm, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Không riêng gì những người lao động, trẻ em sinh sống tại "xóm phao" khi bước vào năm học mới cũng gặp rất nhiều trở ngại, thiếu thốn đủ bề từ cơ sở vật chất cho đến tinh thần. Vì thế, những đứa trẻ mong lắm ngày được quay trở lại trường”.