Kon Tum: Mưa lớn gây ngập, chia cắt giao thông tại một số địa phương
Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 24 giờ qua đã có mưa to đến rất to khiến nhiều cầu tràn và diện tích đất sản xuất bị ngập nước, giao thông ở một số nơi trên địa bàn tạm thời bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại, hoạt động lao động sản xuất của người dân.
Theo thông tin từ Đài Khí tường - Thủy văn Kon Tum, mưa lớn khiến mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng dần và có lũ. Mực nước lúc 2 giờ sáng 24/9 trên sông Đăk Bla tại Kon Plông là 592,88m, cao hơn mức báo động cấp 1 là 0,38m; sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum là 516,99m, thấp hơn mức báo động cấp 1 là 1,01m; sông Pô Kô tại Đăk Mốt là 585,90m, cao hơn mức báo động cấp 2 là 0,40m; sông Đăk Tờ Kan tại Đăk Tô là 578,68m, cao hơn mức báo động cấp 2 là 0,68m.
Dự báo trong trong 24h tới, khu vực các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông lượng mưa có khả năng đạt 100 - 200mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), nước lũ dâng cao gây ngập khu vực làng Lung và một số nơi trên địa bàn khiến giao thông tạm thời bị chia cắt, ảnh hưởng đến các hoạt động lao động sản xuất của người dân và việc dạy và học ở một số nơi như thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr, xã Ya Ly và xã Ya Tăng. Ngay trong đêm 23/9, các lực lượng chức năng tại địa phương tiến hành giăng dây, cắm biển cảnh báo và túc trực ở những nơi ngập nước, dễ xảy ra nguy hiểm nhằm bảo đảm tính mạng người dân.
Mưa lớn cũng gây ngập sâu cầu tràn trên tuyến đường đi khu sản xuất giữa 2 thôn Kram với thôn Đăk Tang (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), các lực lượng tại chỗ của xã đã túc trực và theo dõi mực nước qua để cảnh báo và ngăn không cho người dân qua lại.
Để chủ động ứng phó ảnh hưởng của bão số 6, chiều 23/9, UBND tỉnh Kon Tum đã có công điện yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai.
Chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất… chuẩn bị phương án di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.