Ông Phạm Quang Dũng đại diện 40% vốn Nhà nước tại Vietcombank
Ngân hàng Nhà nước cử ông Phạm Quang Dũng làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước và là người đại diện vốn phụ trách chung tại Vietcombank kể từ ngày 17/9/2021.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) vừa công bố thông tin về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng.
Theo đó, Vietcombank cho biết, theo quyết dịnh số 1493/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã cử ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023, làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước và là người đại diện vốn phụ trách chung tại Vietcombank kể từ ngày 17/9.
Trước đó, vào ngày 30/8, Hội đồng quản trị Vietcombank đã chính thức bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đồng thời, giao Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng tạm thời phụ trách Ban Điều hành ngân hàng cho đến khi có nhân sự cho vị trí Tổng Giám đốc.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sĩ tài chính ngân hàng tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Từ tháng 8/1994, ông Phạm Quang Dũng đã bắt đầu công tác tại ngân hàng Vietcombank, trải qua nhiều vị trí công tác tại phòng đầu tư và bảo lãnh; phòng quan hệ quốc tế; công ty cho thuê tài chính và giữ nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); Trưởng phòng quan hệ ngân hàng đại lý; Phó Tổng giám đốc; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014.
Xét về cơ cấu cổ đông, hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank là 74,8%. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác nắm giữ 10,2% vốn điều lệ ngân hàng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Cụ thể, Vietcombank sẽ được bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nguồn vốn bổ sung đến từ cổ tức cho cổ đông nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, Vietcombank được cổ đông đồng ý kế hoạch tăng vốn từ 37.088 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, thông qua 2 cấu phần.
Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức 2019 (tỷ lệ 8% bằng tiền mặt).
Thứ hai, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương phát hành hơn 307 triệu cổ phiếu cho tối đa 99 nhà đầu tư. Giá phát hành không thấp hơn định giá của tổ chức định giá và bình quân số học giá đóng cửa 10 phiên giao dịch trên HOSE, liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nêu chưa hoàn thành.