Niềm vui trọn vẹn
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, về cơ bản tình hình dịch đang được kiểm soát, số ca tử vong và mắc mới trong cộng đồng liên tiếp giảm. Tuy nhiên, ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là phòng dịch, nhất là vào đêm Rằm trung thu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương xảy ra tình trạng để người dân tụ tập đông người, đổ ra đường nườm nượp trong đêm Rằm Trung thu phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Người đứng đầu Chính phủ lo lắng, nếu tình trạng trên tái diễn thì rất có khả năng dịch Covid-19 sẽ bùng phát mạnh trở lại, khó bề kiểm soát.
Chúng ta đã từng phải trả giá rất đắt về sự lơ là, chủ quan, thậm chí say sưa trong chiến thắng tạm thời với dịch bệnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ về việc tụ tập đông người trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đã khiến làn sóng dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố.
Lẽ ra, sau “bài học đắt giá” trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa phương cần ý thức sâu sắc về việc phải luôn cảnh giác, đề phòng, không để bị động trước diễn biến của dịch bệnh. Ấy vậy mà trong dịp Tết Trung thu vừa qua, nhiều địa phương vừa nới lỏng giãn cách đã để cho người dân mặc sức đổ ra đường nườm nượp, gây nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Nói đâu xa, ngay tại TP Hà Nội, trong đêm Rằm Trung thu, rất nhiều tuyến phố của Hà Nội đen đặc người, xe cộ đi lại tấp nập, thậm chí ở một vài nơi còn xảy ra ùn tắc cục bộ.
Lạ một điều là mới chỉ nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16, nghĩa là đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, thậm chí là 15+, vẫn bị cấm tụ tập đông người nơi công cộng. Nhưng người dân vô tư ra đường đón Trung thu mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ cơ quan chức năng.
Vẫn biết sau thời gian dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nay mới được nới lỏng lại nhân Tết Trung thu nên nhiều người muốn được “vui hết mình”. Song, một thành phố gần 10 triệu dân như Hà Nội, nếu chỉ để một bộ phận nhỏ vui chơi thỏa thích để rồi cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả dịch bệnh e rằng là hơi quá.
Nói như vậy không có nghĩa muốn phòng dịch thì người dân không được vui chơi, đón Tết. Song, có rất nhiều cách để thể hiện niềm vui, sự sung sướng, hạnh phúc, chứ không nhất thiết phải “chen vai thích cánh” ngoài đường. Tết trung thu mang ý nghĩa đoàn viên, sao các gia đình không quây quần thưởng trăng phá cỗ ngay tại nhà để đảm bảo phòng dịch?
Sau đêm Rằm trung thu, nhiều người nơm nớp lo sợ, cầu cho Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác không bị bùng phát dịch Covid-19 trở lại. Tại sao lại phải trông chờ vào sự may rủi, trong khi chính mỗi người có thể tự quyết định nắm giữ vận mệnh, sự an toàn của bản thân và cộng đồng?
Giả sử, trong dòng người xe nườm nượp đó, chỉ cần có một vài F0, chẳng phải mọi nỗ lực phòng chống dịch suốt thời gian mấy tháng qua đã bị trôi theo dòng nước rồi hay sao? Đó chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ không an lòng. Vì thế ông yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc.
Đối với mỗi người dân, cần biết lấy đại cục làm trọng, đừng vì ham muốn của cá nhân và gia đình mà gây họa cho xã hội. Niềm vui của cá nhân hay một gia đình là niềm vui nhỏ, niềm vui trong một đêm Rằm Trung thu cũng không dài. Niềm vui trọn vẹn, lâu dài mới thực sự là hạnh phúc. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải biết hy sinh, nhẫn nại vì cộng đồng.