Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đứng dậy sau ‘bão dịch’
Các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung vào việc tạo đà phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp trong các tháng cuối năm, sau những tác động nặng nề của dịch Covid-19 lần thứ 4.
Tăng tốc sản xuất
Công ty CP giấy Vĩnh Tiến (quận 8, TP HCM) hiện có khoảng 50% lao động, tương đương hơn 100 người, đã bắt đầu tham gia sản xuất trở lại. Trước đó, từ đầu tháng 7 khi TP HCM yêu cầu DN phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, Công ty chỉ duy trì khoảng hơn 10 công nhân. Sau đó do nhu cầu về vở viết và dụng cụ học tập cho năm học mới nên công ty dần dần gia tăng thêm lao động theo mô hình “1 cung đường - 2 điểm đến” cho khoảng 1/3 nhân sự. Đến nay, tất cả công nhân của Vĩnh Tiến đã được tiêm 2 mũi vaccine nên bắt đầu tham gia sản xuất nhiều hơn.
Theo ông Lâm An Dậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, khó khăn lớn nhất của các DN đóng trên địa bàn TP HCM là việc di chuyển còn hạn chế do công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt.
“Sau thời gian dài chống dịch, có DN phải hạn chế sản xuất hoặc tạm ngưng đóng cửa nên hầu hết họ đang kiệt quệ về vốn, thậm chí nhiều bạn hàng, mối nguyên liệu đang bị mất hết. Rất mong Nhà nước có sự quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN” - ông Dậu đề nghị.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), trong quý IV/2021 sẽ xây dựng các chương trình tái sản xuất cho DN thành viên khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế mở cửa trở lại. Giữa “làn sóng” dịch bệnh thời gian qua, nhiều DN ngành gỗ vẫn nỗ lực duy trì sản xuất trong khả năng cho phép. Điều này giúp cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Dương đạt 549 triệu USD trong tháng 8, chỉ giảm 5,6% so với tháng 7. Số kim ngạch này chiếm đến 65% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước trong tháng 8.
Tín hiệu tốt cho việc khôi phục lại hoạt động sản xuất cho DN ngành gỗ nói riêng và các DN nói chung ở tỉnh Bình Dương trong thời gian tới là tính đến giữa tháng 9/2021, các khu công nghiệp trong tỉnh đã tiêm vaccine bao phủ cho trên 95% người lao động.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, nhiều DN tại các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đang dần chuyển đổi từ phương án sản xuất “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh” nhằm tăng tốc sản xuất trở lại trong các tháng cuối năm. Đến nay đã có 386 DN đăng ký để quay lại sản xuất với 52.820 lao động.
Việc tạo điều kiện tốt cho phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ngày 15/9 tại tỉnh Bình Dương, vùng dịch lớn thứ 2 của cả nước đang tạo hứng khởi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Tetra Pak ở khu công nghiệp VSIP II mở rộng vừa công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy. Đây cũng chính là sự khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đợt 4 này.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, các DN đang hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt để hoàn tất và nhận thêm đơn hàng mới trong quý IV/2021. Các nhà đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai đang nóng lòng chờ đợi việc khôi phục lại sản xuất bình thường để họ không vuột mất nhiều cơ hội xuất khẩu vào các tháng cuối năm sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Liên kết vùng, “biến nguy thành cơ”
Có thể nói, để thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo yêu cầu của Chính phủ đòi hỏi các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tạo đà phục hồi sản xuất. Tại “tâm dịch” TP HCM hiện nay đã thống nhất lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ ngày 1 đến 31/10/2021; giai đoạn 2 là từ ngày 1/11/2021 - 15/1/2022; giai đoạn 3 là sau thời gian đó với tất cả các diễn biến tùy thuộc tình hình dịch bệnh thực tế.
Nền kinh tế TP HCM có vai trò trung tâm, điểm kết nối hết sức quan trọng giữa các địa phương trong và ngoài vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kinh tế TP HCM có độ mở cao nhất cả nước, việc phục hồi sản xuất không thể tách rời mối quan hệ với các tỉnh khác trong vùng. Do vậy, để việc khôi phục sản xuất tốt trong thời gian tới, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lúc này phải giữ được sự ổn định nguồn nhân lực, củng cố và duy trì các mối quan hệ liên kết với đối tác, khách hàng, nhằm giữ cho được các mối quan hệ làm ăn truyền thống, để khi phục hồi sản xuất thì phát huy hiệu quả ngay.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Trong quá trình đó, TP HCM mong muốn có sự đồng hành, góp ý, khuyến nghị các giải pháp từ cộng đồng DN.
“Có phòng, chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa, phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng, chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt”, ông Mãi nói.
Hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang xây dựng phương án từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, tạo điều kiện an toàn cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Tỉnh cũng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc an toàn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng cho biết, địa phương sẽ tập trung vào hỗ trợ các DN, cơ sở kinh doanh giảm chi phí, chăm lo đời sống cho người lao động. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.
Trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau tác động của dịch Covid-19 đợt 4, giới chuyên gia nhấn mạnh việc thực thi các giải pháp liên kết vùng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ để có thể “biến nguy thành cơ”. Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần giảm đến mức thấp nhất việc đứt gãy chuỗi xuất khẩu tại các thị trường bên ngoài. Nhất là kịp thời giải quyết những vướng mắc trong phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như sớm thực thi tốt các chính sách hỗ trợ DN trở lại hoạt động.
Cần phải tạo liên kết vùng
Theo chuyên gia tài chính, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), vấn đề của TP HCM không chỉ dừng lại là đầu tư bao nhiêu để phục hồi kinh tế mà cần phải quan tâm liên kết vùng, tính toán kết nối cả vùng. Bởi TP HCM mở cửa mà các tỉnh lân cận đóng cửa hoặc mở chậm thì kinh tế thành phố cũng khó phục hồi nhanh được. Việc đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM lên 23% (hiện tại 18%) là hợp lý, nhưng nếu quá chú trọng tập trung đầu tư công thì khó phục hồi.
Theo ông Cường, đầu tư công chỉ là một phần trong câu chuyện phục hồi kinh tế của TP HCM, tuy nhiên, đầu tư công cũng cần phải có trọng điểm, theo hướng thiết yếu. Ông Cường kiến nghị, vấn đề lớn nhất lúc này là tập trung phục hồi sản xuất cho DN, hộ kinh doanh cá thể, giữ chân lao động ở lại thành phố và thu hút lao động đã về quê quay trở lại.