Chuyển đổi số - chuyển đổi tư duy

Hải Đăng 25/09/2021 06:58

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản mới đã được phát huy, trong đó có việc giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, dịch Covid -19 vừa là thách thức cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, người dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân không chỉ bán sản phẩm đó mà còn bán cả giá trị của sản phẩm đó.

Nói về hiệu quả của việc chuyển đổi số, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Kết nối tiêu thụ nông sản năm 2021 có sự thay đổi về tư duy, cụ thể trong dịch Covid-19, có sự vào cuộc không chỉ ngành nông nghiệp, công thương mà còn ngành công nghệ. Thực tế, những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chiếm 14%, GDP Việt Nam thu hút gần 40% lực lượng lao động, ngành nông nghiệp lâu nay vẫn là ngành chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền nông nghiệp ở nước ta còn manh mún, với thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, có xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ so với các lĩnh vực kinh tế khác và so với nông nghiệp các nước tiên tiến. Vì thế theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và mở rộng thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trước hết phải chuyển đổi tư duy và làm tốt đào tạo nguồn nhân lực. Cần phải đưa hộ nông dân lên nền tảng điện tử, phải có tên gọi, hồ sơ, truy xuất nguồn gốc…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Nhiều DN nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Hiện Việt Nam có 9,2 triệu hộ nông dân. Tiếp cận với nền nông nghiệp số, bà con có thể dùng điện thoại thông minh tra cứu được các thông tin về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, các loại phân bón, các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ: Có câu hỏi của một bác nông dân làm tôi suy tư nhiều: “Người nông dân Việt Nam như tôi, thông minh và cần cù lắm, chân lấm tay bùn, một nắng hai sương mà sao không giàu có bằng nông dân các nước phát triển?”. Thật ra, theo Bộ trưởng, người nông dân chúng ta đa phần vẫn quen với tư duy “Đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cày”; còn nông nghiệp Việt Nam thì đứng trước 3 thách thức là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thách thức cũng là thời cơ. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số… Do đó, không thể chần chừ.

Hải Đăng