Cho rõ trắng đen

Nam Việt 25/09/2021 06:59

Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành một nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Động thái này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận xã hội khi mà những “lùm xùm” về việc các cá nhân là người nổi tiếng bị “bóc phốt” xung quanh những số tiền từ thiện “khủng” mà họ vận động được.

Theo dự thảo quy định về cá nhân vận động từ thiện, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. ​​Phương án thứ nhất là khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật). Phương án thứ hai là chỉ quy định một điều cụ thể: Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trở lại với việc “lùm xùm” ít nhất là trong vòng nửa năm qua với những ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình, người mẫu... bị một nữ CEO “bóc phốt”, cho thấy đây là vấn đề rất hệ trọng. Không hệ trọng sao được khi số tiền một nữ ca sĩ vận động được (gửi vào tài khoản cá nhân của mình) lên tới cả trăm tỷ đồng. Việc số tiền đó có đến tay người dân khó khăn trong vùng bão lụt, thiên tai hay không, đến bằng cách nào, thời gian nào, số tiền thực tế là bao nhiêu... cũng không dễ gì minh bạch. Chính vì thế, câu chuyện “sao kê” đã gây bão trên mạng xã hội, cho dù có người đã đến ngân hàng sao kê 18.000 trang đi chăng nữa thì vẫn là chuyện cá nhân, không đủ sức thuyết phục mọi người.

Đáng tiếc là không chỉ là tiền, mà niềm tin cũng vơi hụt khi mà những người nổi tiếng đứng ra vận động từ thiện đã gần như đánh mất hình ảnh của mình trước công chúng. Cái tâm thiện nguyện bị nghi ngờ, hành động làm việc tốt bị nghi ngờ sẽ để lại tác động rất xấu - đó là đánh mất niềm tin của xã hội. Nói điều này không phải để bênh vực những người nổi tiếng tự đứng ra kêu gọi đóng góp từ thiện, mà càng thấy rằng những “lùm xùm” sớm phải được minh bạch bởi những cơ quan chức năng, và cũng rất cần sớm có những quy định luật pháp về công tác từ thiện - một công việc từ tâm rất cần được nuôi dưỡng bởi đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta là “lá lành đùm lá rách”.

Vì sao phải sớm minh bạch số tiền vận động ủng hộ và làm từ thiện của những người nổi tiếng đang bị “bóc phốt”? Chính là để cho rõ trắng đen, lấy lại và củng cố niềm tin của công việc từ thiện cao quý. Thật đáng suy nghĩ khi mà không chỉ một số ca sĩ, diễn viên... vận động từ thiện đã phải tự mình đến ngân hàng sao kê, mà ngay cả ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng chỉ vì không muốn dính vào thị phi từ thiện đã phải chủ động đưa ra 5 kg giấy sao kê về khoản tiền ủng hộ “Quỹ vì đồng bào”. Theo ông Hải, mặc dù mạnh thường quân không yêu cầu sao kê, nhưng ông xem đây là trách nhiệm cá nhân nên phải làm để minh bạch.

Việc này đã cho thấy quy định cá nhân vận động từ thiện, sử dụng tiền vận động từ thiện còn nhiều lỗ hổng, lạc hậu so với thực tiễn. Tất nhiên, khi dư luận lên tiếng, mỗi cá nhân phải minh bạch để tự bảo vệ mình. Nhưng cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trên cơ sở quy định của pháp luật vì đây không còn là chuyện của mỗi cá nhân.

Nam Việt