Doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng

Lan Hương – Thúy Hằng 25/09/2021 06:58

Thời gian qua, một lượng lớn công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy đã nghỉ việc về quê tránh dịch Covid-19. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện nghiêm “ai ở đâu, ở yên đó” nên công nhân không thể di chuyển từ nơi ở đến chỗ làm việc. Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán thiếu lao động. 

Lên phương án thu hút lao động

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang tham gia. Hiện các DN đang nỗ lực hết mình để duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN kỳ vọng sau khi có đủ độ phủ vaccine nền kinh tế sẽ bước vào trạng thái bình thường mới. Nhưng đi kèm với hi vọng cũng là không ít khó khăn.

Chỉ ra những khó khăn của DN trong mùa dịch, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty may 10 cho biết, lãnh đạo địa phương nói vẫn cho phép DN hoạt động bình thường nhưng công nhân ở các địa phương lại phải thực hiện yêu cầu “Ai ở đâu ở yên đó” của xã, thôn thì làm sao mà đến công ty được.

Không chỉ có ngành dệt may, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các DN trong ngành chế biến gỗ đang đứng ngồi không yên khi các hợp đồng đặt hàng khá nhiều nhưng không đủ lao động. Qua khảo sát, chỉ có 141/265 DN chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), duy trì hoạt động, với số lượng công nhân làm việc khoảng 30.700 người, chỉ bằng 1/4 số trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đồng nghĩa là 3/4 số lượng công nhân trong các DN này đã phải nghỉ việc.

Chia sẻ về giai đoạn phục hồi sản xuất, ông Trần Triệu Vỹ, Giám đốc Công ty LSS cho biết, cả 2 địa điểm của Công ty ở TP HCM và Bình Dương đều đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân sự trầm trọng. “Chúng tôi vừa chống chọi với khó khăn do dịch bệnh vừa phải đau đầu với bài toán giữ chân nhân sự cả trong và sau dịch”- ông Vỹ chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi đánh giá, ngành này đang đối diện với vô vàn khó khăn. Cụ thể, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nên giá vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn, làm cho giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng. Ngoài ra, với các nhà máy, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến còn có nguy cơ khác là ngưng sản xuất vì thiếu hụt lao động do bị nhiễm Covid-19.

Tạo liên kết vùng kết nối việc làm

Thực tế để thu hút và giữ chân người lao động, nhiều DN, địa phương đang có những chính sách thu hút, đãi ngộ riêng như: Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, hỗ trợ đột xuất, tăng lương, thưởng… Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh đứt gãy cung – cầu lao động thì chỉ sự cố gắng của DN là chưa đủ. Bởi hiện nay thị trường lao động đang tồn tại một nghịch lý là dù DN khát nguồn nhân lực nhưng cả nước vẫn có hàng triệu lao động thất nghiệp.

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH trong quý II/2021 cho thấy, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực, có 557.000 người mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất - kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên...

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho các DN, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các Sở LĐTB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Đặc biệt, tận dụng lợi thế công nghệ thông tin thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến vệ tinh liên kết giữa các tỉnh, địa phương có cụm công nghiệp, khu công nghiệp lớn.

Gần đây nhất, giữa tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã phối hợp cùng các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia với trung tâm dịch vụ việc làm nhiều tỉnh, thành tổ chức những ngày hội việc làm trực tuyến, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia/ngày hội, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 30.000 vị trí việc làm, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và may mặc…Phiên giao dịch này đã góp phần hạ nhiệt “cơn khát” về nguồn nhân lực cho khu công nghiệp tại Bắc Giang.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện rất nhiều công ty rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng. Khi các thành phố nới lỏng giãn cách, DN muốn tái khởi động sản xuất, kinh doanh cũng khó có đủ lượng lao động như ý. Lý do đã rõ, ảnh hưởng dịch, nhiều DN giảm đơn hàng, một số công ty đã phải cắt giảm lao động. Một phần nữa, ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào đầu tháng 4, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp đã kéo nhau về quê.

Cũng theo ông Thịnh, bài toán tránh đứt gãy chuỗi nhân lực cho các DN hiện nay trước hết là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Sau nữa với những DN đang duy trì sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, nếu có F0 thì được điều trị ngay tại nhà máy, tại phân xưởng. Thực tế chúng ta phải thừa nhận dịch khó có thể kiểm soát triệt để trong thời gian gần. Vì vậy, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất – nhân lực không nên chỉ vì một ca F0 mà đóng cửa cả một hệ thống, nhà máy.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH: Phát huy vai trò các trung tâm giới thiệu việc làm

Việc di chuyển lao động do diễn biến dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn. Trong bối cảnh này, ưu tiên hàng đầu là vẫn là tiêm phòng vaccine. Song song với đó cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23.

Để kết nối cung – cầu lao động, hạn chế mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, ngành chức năng cần phối hợp với địa phương thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, đưa ra dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Trong đó các Trung tâm dịch vụ việc làm chính là cầu nối đưa DN và người lao động gặp nhau. Khi cung – cầu gặp nhau sẽ góp phần điều tiết thị trường lao động hiệu quả hơn, từ đó giảm nguy cơ người lao động thất nghiệp mà DN vẫn “khát” lao động.

“Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lần này có dành 4.500 tỷ đồng để đào tạo lại lao động. Đây là chính sách cần thiết để giải bài toán thất nghiệp của người lao động, đồng thời cũng là giải pháp giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí về đào tạo và chuyển đổi nguồn nhân lực” – ông Huân nhấn mạnh.

Lan Hương – Thúy Hằng