Bảo vệ trẻ em trong tiết giao mùa
Thời điểm giao mùa như hiện nay là thời điểm lý tưởng để các loại virus, vi khuẩn phát triển khiến người dân dễ gặp những vấn đề về sức khỏe. Nguy hiểm hơn khi đối với trẻ em, do sức đề kháng kém nên tỉ lệ mắc bệnh và nguy cơ biến chứng cao hơn người lớn rất nhiều.
Viêm cơ tim ở trẻ - nguy cơ tử vong chỉ trong vài ngày
Thông tin từ ThS.BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp do virus với tình trạng rất nặng.
Theo thông tin từ phía gia đình, 4 ngày trước khi vào viện trẻ chỉ có triệu chứng sốt nhẹ. Hơn 3 ngày sau, trẻ rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim.
BS Hưng chia sẻ: 7 ngày trẻ được lọc máu liên tục là 7 ngày các y bác sĩ túc trực gần như 24/24h bên cạnh cháu. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng có những lúc chúng tôi tưởng chừng như không còn hi vọng vì đến ngày lọc máu thứ 5 rồi mà khả năng co bóp cơ tim của bé vẫn rất kém, thận của bé cũng chưa hoạt động trở lại. Nhưng điều kỳ diệu đã đến như đáp lại nỗ lực của các bác sĩ trong suốt những ngày qua khi sang ngày lọc máu thứ 6, bé đã có một chút nước tiểu. Chúng tôi vỡ òa sung sướng. Đó cũng là lúc các chỉ số sinh tồn của bé tốt lên, chức năng tim bắt đầu cải thiện rõ rệt, chúng tôi đã bắt đầu giảm được các thuốc hỗ trợ cho bé. 2 ngày sau bé được cai máy thở và rút ống nội khí quản.
Được biết, nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim.
Các trường hợp viêm cơ tim ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sau phục hồi sẽ không để lại di chứng. Nhưng ngược lại, nhiều trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn, nguy cơ để lại biến chứng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Nhiều trường hợp trẻ nhiễm trùng máu do vi khuẩn
Một loại vi khuẩn nguy hiểm khác cũng khiến số ca mắc tăng cao trong thời gian vừa qua tại BV Nhi Trung ương, đó là vi khuẩn tụ cầu vàng. Gần 10 trẻ đã nhập BV Nhi Trung ương vì nhiễm khuẩn huyết do loại vi khuẩn này gây ra.
BS Ngô Tiến Đông - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương thông tin về một ca mắc điển hình: Bé gái P.T. (18 tháng tuổi, ở Hà Nội) được đưa về quê chơi cùng ông bà cách đây 2 tháng. Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ hai trẻ có triệu chứng sốt, đi ngoài phân lỏng nên được người nhà cho đi khám tại bệnh viện tuyến huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống. Đến ngày thứ 3 trẻ vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên gia đình đưa trẻ vào bệnh viện. Trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu gây tổn thương nhiều cơ quan: Viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, hạ huyết áp và rối loạn đông máu. Mặc dù hiện nay trẻ đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần theo dõi thêm các biến chứng khác của bệnh.
Theo BS Đông, nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác trên vùng da lành…
Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng.
Bảo vệ trẻ trước dịch bệnh
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh nỗi lo Covid-19 và nằm ngoài những căn bệnh kể trên, ở thời điểm hiện tại, trẻ em còn dễ mắc những căn bệnh do vi khuẩn, virus khác như bệnh nhiễm trùng/nhiễm khuẩn đường hô hấp (mũi họng, viêm phổi, thanh quản, phế quản, tai). Bên cạnh bệnh đường hô hấp còn các bệnh lây về sốt xuất huyết, các bệnh tay chân miệng vẫn còn từ cuối vụ hè, ho gà, thủy đậu, sởi, sốt virus.
BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang lý giải: Chúng ta cần hiểu, người lớn có bệnh gì thì trẻ em có bệnh đó nhưng ở trẻ em, tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn và gây nhiều biến chứng hơn. Ví dụ, khi người lớn bị mắc cảm cúm có thể nghỉ ngơi tại nhà, bệnh sẽ tự khỏi nhưng đối với trẻ em, cảm cúm có thể dẫn tới viêm phổi. Hay như bệnh tay chân miệng gần như không ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại người lớn nhưng lại chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Có thể hiểu một cách đơn giản, thời tiết giao mùa dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ trong ngày, trong khi trẻ em vẫn đang thích nghi dần với cuộc sống bên ngoài. Thời tiết và khí hậu làm sức đề kháng của trẻ giảm xuống, song song với virus, vi khuẩn nấm mốc tăng lên ngay trong môi trường không khí trong nhà. Bên tăng bên giảm khiến dịch bệnh tăng cao trong thời điểm hiện tại.
Chuyên gia Nhi khoa khuyến cáo, để giúp trẻ phòng, chống lại những căn bệnh nguy hiểm, bố mẹ cần cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lớn hay những trẻ khác đã mắc bệnh liên quan đến siêu vi đồng thời cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt, khó thở, tim đập nhanh hơn bình thường hoặc trẻ quấy khóc, bỏ ăn, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà bởi các bệnh lý nguy hiểm có thể diễn biến nặng rất nhanh, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.