Thiết kế bài học trên truyền hình: Cần sinh động, dễ hiểu

Dung Hòa 25/09/2021 06:57

Nhằm ứng phó với dạy - học trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2.

Thay đổi phương pháp truyền đạt kiến thức

Theo TS Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, chủ trương tạm thời không học tập trung là hoàn toàn đúng đắn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong thời gian đó, việc “không ngừng học” là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với học sinh. Ngày nay, cùng với sự đầu tư của công nghệ phát thanh, truyền hình, nhiều nền tảng ứng dụng miễn phí hoặc phải trả phí được phát triển, điều này hỗ trợ rất tốt cho việc trang bị kiến thức cho học sinh.

Phương pháp đào tạo từ xa có các cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 mà nhiều cơ sở giáo dục đang triển khai hiện nay là chỉ đưa bài giảng lên hệ thống, người học dựa vào đó để học tập (tự học). Cấp độ 2 là có thể hỏi đáp, tương tác giữa giảng viên và người học. Đào tạo qua truyền hình, phát thanh đang ở cấp độ 2.

Ông Tùng cho rằng, để dạy - học qua truyền hình, phát thanh đạt hiệu quả, cần phải giải quyết được các vấn đề sau: Thứ nhất phải có bài giảng (buổi phát sóng) phù hợp. Như vậy xây dựng nội dung hết sức quan trọng vì đảm bảo sinh động, dễ hiểu và gắn với thực tiễn mà điều này công nghệ truyền hình là lợi thế. Thứ hai chính là đội ngũ, thầy - cô giáo phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trực tuyến, từ kỹ năng đứng trước ống kính, từ giọng nói qua micro và sự tương tác với hệ thống. Điều này khác rất nhiều khi giảng dạy với công cụ bảng đen và phấn trắng. Thứ ba là các em học sinh cần có thời gian để tiếp cận và bồi dưỡng các kỹ năng cần có để theo kịp phương pháp học mới. Đặc biệt nhà trường cần phối hợp với gia đình nâng cao tính tự giác cho học sinh. Bởi một hạn chế của đào tạo qua truyền hình, phát thanh là sự kiểm soát sự biến động trong giờ học.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của tài nguyên học liệu trực tuyến là cần phải được phân đoạn, chia nhỏ. Thời lượng để người học tiếp nhận nội dung cần đủ ngắn, không đòi hỏi người học phải tập trung xem - hiểu, nghe - hiểu hay đọc - hiểu liên tục quá 15 phút. Với dạy học trực tuyến/dạy học từ xa, cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp sẽ không dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT thừa nhận có những khó khăn trong việc giám sát quá trình học của học sinh khi học qua truyền hình. Sự tương tác giữa người dạy và người học khi dạy học trên truyền hình bị hạn chế. Vì thế, theo ông Thành, các địa phương sẽ buộc phải hướng dẫn, lựa chọn kỹ giáo viên để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học, làm sao để giáo viên giảng bài đến đâu thì học sinh hiểu đến đó vì các em không có điều kiện nêu thắc mắc và đặt câu hỏi trực tiếp.

Tập huấn dạy học trên truyền hình cho giáo viên các cấp

Bộ GDĐT vừa tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp tiểu học của 22 Sở GDĐT các tỉnh phía Bắc (trong 2 ngày 23-24/9).

Khoá tập huấn nhằm cung cấp tổng quan kiến thức về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, giúp giáo viên nắm được điểm giống và khác, ưu điểm và hạn chế giữa dạy học trực tuyến/qua truyền hình với dạy học trực tiếp, từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên cũng được hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến/qua truyền hình đối với từng môn học/hoạt động giáo dục; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hình thức này và tư vấn “gỡ khó” cách xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tuyến/qua truyền hình.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai tập huấn dạy học trực tuyến và qua truyền hình cho cán bộ quản lý và giáo viên cấp trung học. Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh hiệu quả và chất lượng của việc dạy học trực tuyến được tính bằng tích của 3 chữ: Biết làm, điều kiện để làm và động lực để làm. Việc tập huấn cũng như chỉ đạo, giám sát thường xuyên ở các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm và đảm bảo để giáo viên có đủ 3 yếu tố đó khi thực hiện.

Trước đó đầu tháng 9, Bộ GDĐT đã công bố kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học trực tuyến. Các bài giảng đang được phát trên một số kênh truyền hình và trở thành kho học liệu để phục vụ dạy học trực tuyến. Hiện kho học liệu đang trong quá trình xây dựng nên một số tài nguyên chưa được cập nhật. Nội dung các nguồn tài nguyên này sẽ được Bộ GDĐT tiếp tục xây dựng, tổng hợp từ các nguồn khác và liên tục được cập nhật để hỗ trợ các thầy cô, phụ huynh và nhà trường.

Lịch phát sóng bài giảng lớp 1, lớp 2 trên 3 kênh truyền hình quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm hỗ trợ việc dạy học cho học sinh lớp 1, 2 ở các địa phương đang phải dừng tổ chức dạy học trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1 và lớp 2. Học sinh lớp 1 và lớp 2 trên cả nước có thể học qua truyền hình với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.

Khung giờ phát sóng bài giảng lớp 1, lớp 2 trên các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam cụ thể như sau:

Kênh VTV1, từ 10h - 10h30, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV2, từ 9h15 - 9h45 và từ 14h30 - 15h, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.

Kênh VTV7, từ 14h - 16h30, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, phát sóng bài giảng Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2.

Cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 14 tỉnh, thành phố kết hợp tổ chức dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 24 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

M.K.

Dung Hòa