Trữ nước đang là vấn đề rất cấp thiết
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, năm nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục đối diện với một mùa lũ thấp. Điều này cho thấy xu thế nước lũ thấp tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây và những năm tiếp theo.
PV:Thưa ông, ông có thể lý giải vì sao nước lũ về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít đi trong những năm gần đây?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Thời gian qua, theo dõi số liệu cho thấy năm nay lượng mưa ở khu vực sông Mê Kông rất ít, thậm chí lượng mưa không đều, nơi tập trung mưa nhiều nhất lại không phải là vùng tập trung nước hay gom nước nhiều nhất như phía trung Lào, khu vực này rất rộng nếu mưa ở đây nhiều sẽ gom nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ở Campuchia cũng vậy lượng mưa cũng rất ít…
Điều quan trọng nữa khiến lượng nước về hạ nguồn dần ít đi đó là khu vực đầu nguồn các đập thuỷ điện họ đang ngày càng hạn chế việc xả nước. Kể cả nước đi vào biển Hồ của Campuchia cũng rất ít, có những đoạn không thấy dòng chảy ngược vào biển Hồ… những yếu tố này đang làm cho nguồn nước về vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thấp đi.
Việc nước lũ đang ngày càng ít đi sẽ dẫn tới những hệ luỵ gì cho ĐBSCL thưa ông? Các địa phương cần làm gì trong thời gian tới?
- Nước mà ít và không về chắc chắn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp nhiều khó khăn như không có nước canh tác, ô nhiễm gia tăng vì lũ về vừa làm sạch đồng ruộng lại vừa bổ sung thêm lượng phù sa mới. Mùa khô tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước.
Khu vực đầu nguồn của An Giang và Đồng Tháp sát với Campuchia, mặc dù lũ nhỏ nhưng bà con cần tranh thủ nguồn nước này canh tác sớm hơn vụ Đông Xuân. Còn những địa phương vùng dưới hạ nguồn không nên trồng lúa, vì nước đã ít mà tiếp tục dùng để trồng lúa sẽ mất nước. Những nơi vùng trũng các địa phương tranh thủ trữ nước một cách tối đa để dành nước cho mùa khô.
Việc trữ nước là vấn đề rất cấp thiết hiện tại và những năm tiếp theo. Các địa phương có nhà máy cấp nước hay nhà máy xử lý từ nước mặn sang nước ngọt cần tranh thủ sửa chữa, nâng cấp để nếu xảy ra khô hạn và mùa khô tới sẽ cung cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng. Các địa phương cũng nên tính toán việc hỗ trợ cho người dân mua các dụng cụ phương tiện trữ nước.
Ông có thể chia sẻ thêm về những đợt triều cường sẽ diễn ra trong một vài tháng tới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
- Chúng ta không nên lo lắng chuyện triều cường sẽ gây ngập. Đây cũng là dịp để vùng Đồng bằng sông Cửu Long hấp thụ lượng nước nhất định cho đất đai. Các địa phương cần phải tận dụng việc triều cường đẩy lượng nước ngọt vào sâu nội đồng và vùng trũng để tìm cách trữ nguồn nước ngọt lại để phục vụ cho sản xuất trong mùa tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng và về lâu về dài các địa phương trong vùng cần phải tính toán việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 120. Đừng nghĩ tới chuyện tập trung và sản xuất nhiều lúa, cần mạnh dạn giảm bớt diện tích lúa đi. Đẩy mạnh sản xuất thuỷ sản ở những vùng có điều kiện thuận lợi, vì thực ra thuỷ sản lại không sử dụng nhiều lượng nước, trong khi nước của thuỷ sản lại tái sử dụng được.
Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu tạo ra các loại cây trồng có thể thích ứng với điều kiện về nguồn nước lợ, mặn. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của từng địa phương…
Trân trọng cảm ơn ông!
Qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, mực nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ngày càng ít dần. Đây là cảnh báo nguy cơ xấu cho vùng ĐBSCL vì lũ là hệ sinh thái rất quan trọng cho vùng ĐBSCL, vai trò của lũ những năm qua là cung cấp phù sa, bổ sung các nguồn nước nguồn thuỷ sản, nói chung rất nhiều thuận lợi từ lũ.