Bệnh lao: Nguy cơ lây nhiễm cao
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố, lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới, nguy hiểm như HIV/AIDS.
Theo Bộ Y tế, hằng năm, ước tính có 17.000 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lao. Đáng chú ý, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 130.000 bệnh nhân mắc lao mới. Thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: Ở Việt Nam, gánh nặng bệnh lao rất lớn, trong đó có bệnh lao đa kháng thuốc. Ước tính, chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây được xác định là nguồn lây lan bệnh lao lớn nhất.
Theo báo cáo của Chương trình Chống lao quốc gia, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
Đồng thời, sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu,việc phát hiện lao cho bệnh nhi tại cơ sở y tế chưa được hiệu quả. Một điểm khó khăn nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao; kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống lao còn hạn chế... Ngoài ra, những bệnh nhân tự ý bỏ điều trị có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng lao kháng thuốc tăng mạnh chủ yếu do người bệnh điều trị không đúng theo chỉ định của các bác sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, hiện nay, Việt Nam xếp vào 11/30 nước có tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao, một năm có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Cũng theo ông Nhung, trước đây Việt Nam chưa có thuốc chữa và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nhưng hiện nay người bệnh lao kháng thuốc, kể cả bệnh nhân siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị.
Theo đó, phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc trước kia kéo dài là từ 20-24 tháng khiến nhiều bệnh nhân nản. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn 9 tháng...
Theo đánh giá, Chương trình Chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 85,5%. Tỷ lệ điều trị thành công là 92%, đạt mục tiêu Chương trình Chống lao quốc gia đã đề ra là trên 90%.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, hiện công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao... Tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao, tuy nhiên các can thiệp phát hiện chủ động chưa được triển khai để đảm bảo an toàn cho khu vực trại giam trước tác động của dịch Covid-19. Việc này ảnh hưởng đến tình hình phát hiện chung của toàn quốc.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh bao gồm: Ho dai dẳng, ho mãi mà không hết. Ho mà không có triệu chứng như đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi. Ho nặng về sáng và chiều tối. Sốt do lao ít khi sốt cao. Thường sốt nhẹ, dai dẳng và diễn ra vào chiều tối. Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Tức là đã dùng thuốc hạ sốt vài ngày cho đến 1 tuần nhưng không thuyên giảm.
Người bị bệnh lao có đặc điểm là mệt mỏi, ăn kém lại do rối loạn quá trình trao đổi khí ở phổi nên bị gầy sút cân. Gầy sút cân do lao diễn ra từ từ, vài tuần cho đến vài tháng. Đi kèm là hiện tượng gầy yếu và da xanh. Khạc đờm thường là ra đờm đặc và khó khạc.