Giữ vững trận địa chống dịch

QUẢNG NGHĨA (thực hiện) 26/09/2021 10:51

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết về vai trò của cán bộ Mặt trận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, mỗi cán bộ Mặt trận là một người chiến sĩ luôn kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu để giữ vững trận địa.

PV: Thưa bà, với vai trò là “người chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, cán bộ Mặt trận Quảng Bình đã triển khai thực hiện như thế nào?

Bà Phạm Thị Hân.

Bà Phạm Thị Hân: Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, cán bộ Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Cụ thể như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, khu dân cư; trên hệ thống mạng xã hội...

Ngay ở các khu dân cư, MTTQ cấp xã đã phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, các vị chức sắc, tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ tự quản đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ khi dịch bắt đầu xuất hiện và duy trì đến nay.

Là người thường xuyên về với cơ sở, sâu sát các hoạt động của cán bộ ở địa phương, bà đánh giá như thế nào về những việc làm đó?

- Ngay khi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, thị xã, thành phố bám sát công tác tuyên truyền, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng”. Do đó, cán bộ Mặt trận Quảng Bình đã tích cực tham gia các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.

Tổ giám sát Covid cộng đồng đã hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Cũng chính từ tổ công tác này đã kịp thời phát hiện, báo cáo với chính quyền, cơ quan chức năng những người đi, người đến từ vùng dịch, liên quan đến các ca bệnh và ổ dịch để có biện pháp xử lý theo quy định. Theo tôi, các tổ giám sát Covid cộng đồng thực sự là cánh tay nối dài, góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Hưởng ứng và thực hiện Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã thực hiện Lời kêu gọi của Mặt trận Trung ương; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ ngày 2/6 đến ngày 25/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận gần 100 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, trang thiết bị y tế và các mặt hàng nhu yếu phẩm).

Với số tiền và hàng hóa tiếp nhận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các ban ngành, địa phương có liên quan tổ chức đoàn đi thăm, động viên, chia sẻ những khó khăn với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho khu cách ly, phong tỏa; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh...

Thăm hỏi bà mẹ, trẻ sơ sinh từ TP HCM trở về quê hương tại khu cách ly.

Cùng với việc vận động, tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận các xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, bà có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Mặt trận các cấp ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không chỉ vận động, tiếp nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn triển khai nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Cụ thể như: Tổ chức công tác hậu cần “bữa cơm Mặt trận”; phối hợp với hội phụ nữ tổ chức gói bánh cho các chốt kiểm dịch, các khu cách ly phong tỏa, các khu điều trị; chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu đến nơi cho những người khó khăn trong khu cách ly, phong tỏa...

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã có các chính sách thiết thực để hỗ trợ bà con nhân dân Quảng Bình gặp khó khăn đang sinh sống, lao động tại TP HCM và các tỉnh phía Nam bằng nhiều hình thức phù hợp. Cụ thể, từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 23.160 hộ gia đình với tổng số tiền hơn 23,1 tỷ đồng để giúp bà con vượt qua khó khăn. Tiếp đó, tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức 2 “Chuyến bay nghĩa tình” để đón gần 400 bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về Quảng Bình an toàn.

Trước đó, Mặt trận các địa phương ở trên địa bàn tỉnh đã vận động nhân dân cùng chung tay hỗ trợ hơn 400 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Sau nhiều ngày căng thẳng, hiện số lượng các ca F0 đã giảm dần, tỉnh Quảng Bình đã có phương án “phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới” trên tinh thần đảm bảo sức khỏe của người dân, Mặt trận tỉnh đã có kế hoạch như thế nào, thưa bà?

- Sau khi các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được kiểm soát, khoanh vùng thu hẹp, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã thống nhất các giải pháp, phương án nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình tiếp tục công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, phát huy tinh thần mình vì mọi người; đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, chăm lo đời sống, an sinh xã hội, bảo đảm nguyên tắc “ở đâu khó, có cán bộ xã phường”; đồng thời cùng nhau chấp hành các quy định phòng chống dịch để sớm vượt qua khó khăn.

Trân trọng cảm ơn bà!

QUẢNG NGHĨA (thực hiện)