Mở cửa và tiến về phía trước
Tính đến tuần thứ 3 của tháng 9/2021, Ấn Độ đã tiêm được 772 triệu liều vaccine Covid-19.
New Delhi đang hướng tới mục tiêu tiêm 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào giữa tháng 10 tới khi mà vào ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục khi tiêm được hơn 20 triệu liều vaccine Covid-19. Điều đó cũng có nghĩa là quốc gia đông dân thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) với gần 1,4 tỷ người đã quyết tâm “sống chung”, với Covid-19. Trong khi đó, một quốc gia dân số rất ít là Singapore (khoảng 5,9 triệu người tại thời điểm ngày 20/9/2021) được coi là tiên phong “sống chung” với Covid-19.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với truyền thông Ấn Độ, bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng Ấn Độ đang ở hoặc gần đến giai đoạn cuối của đại dịch, khi mà số ca mắc Covid-19 đang giảm dần ở hầu hết các bang.
Bài học và sự quyết tâm sau những thăng trầm
“Ở giai đoạn này, mức độ lây lan trong cộng đồng sẽ ở tỷ lệ tương đối thấp và có thể dự đoán trước. Ngoài ra, số người nhập viện và mắc bệnh nặng cũng sẽ giảm” -Tiến sĩ Swaminathan nói và cho rằng, khi Ấn Độ bước vào giai đoạn coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu” sẽ có sự khác nhau về mức độ lây nhiễm ở từng khu vực và không loại trừ khả năng số ca mắc bệnh tăng đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine thấp.
Nhà khoa học của WHO nói thêm rằng, việc xét nghiệm mẫu máu diện rộng ở Ấn Độ cho thấy 65% tỷ lệ huyết thanh đã có kháng thể chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ khi mà tại bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ cứ 5 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 thì có một mẫu dương tính, tăng so với tỷ lệ 1/8 vào đầu tháng 8. Bang Kerela hiện chiếm hơn 60% số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày ở Ấn Độ.
Lý giải điều này, Vineeta Bal - Viện Miễn dịch quốc gia Ấn Độ cho rằng đó là do tỷ lệ bao phủ vaccine thấp và cũng có nhièu người không đeo khẩu trang. “Điều này sẽ thay đổi khi tỷ lệ bao phủ vaccine, mức độ tuân thủ việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được thực hiện tốt” - Tiến sĩ Vineeta Bal nói.
Trong khi đó, Sujeet Singh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, Ấn Độ sẽ không có “làn sóng Covid” thứ ba vì nó đã trở thành “bệnh đặc hữu” và việc mở cửa trở lại là tất yếu, bất chấp những mùa lễ hội cuối năm.
Việc Ấn Độ quyết định từng bước “sống chung” với Covid-19 được coi là bất ngờ, khi mà chỉ chưa đầy nửa năm trước, quốc gia gần 1,4 tỷ dân này đã lâm vào thảm họa dịch bệnh. Lúc ấy, tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ tràn lan trên truyền thông quốc tế. Hình ảnh những con người ôm ghì bình oxy do sợ bị lấy mất, hay là hình ảnh những đám cháy rừng rực thiêu người chết đã đem đến cảm giác rùng rợn gần như buông tay.
Nhưng rồi, những ngày đen tối cũng qua đi khi chính phủ Trung ương cũng như chính quyền các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine đồng thời siết chặt những quy định y tế phòng, chống dịch. Hệ thống y tế được gấp rút tăng cường, “bác sĩ được điều động tới từng khu nhà ổ chuột, điều mà trước đó không ai có thể tưởng tượng ra” - chuyên gia y tế Vikas Bajpai nói.
Trong tháng 9, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan cho biết phần lớn các khu vực tại Ấn Độ ghi nhận tình trạng chung giảm số ca mắc mới Covid-19. Còn Kênh DW (Đức) dẫn lời bà Swaminathan chia sẻ rằng, Ấn Độ đã qua nhiều thăng trầm do sự tàn phá của biến thể Delta và người Ấn Độ đã học được cách bảo vệ mình trước quá nhiều mất mát. Tuy nhiên, cảnh giác với dịch bệnh vẫn phải là điều thường trực không chỉ đối với chính quyền mà còn phải là ý thức của mỗi người dân.
Tiến về phía trước cho dù “có những khúc cua”
Tính tới ngày 22/9/2021, chỉ 60 người nhiễm Covid-19 tử vong ở Singapore kể từ khi đại dịch xuất hiện, và 82% dân số nước này đã được tiêm vaccine đủ liều. Đây là thành công ở mức “kỳ diệu” đối với quốc đảo Singapore.
Ngay từ hồi tháng 6, Chính phủ Singapore đã thông báo hướng tới chiến lược “sống chung” với Covid-19, tập trung vào truy vết và xử lý các ổ dịch bằng tiêm chủng, cho nhập viện mà không cần phong tỏa và đóng cửa biên giới như ở đa số quốc gia khác. Cũng vào thời điểm đó, Singapore bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp giới hạn. Nhưng không lâu sau, Singapore lại đối mặt nhiều thách thức. Số ca nhiễm tăng vọt. Các kế hoạch tái mở cửa bị trì hoãn, và một số biện pháp hạn chế được tái áp đặt.
Ngày 19/9, giới chức y tế phát hiện 1.012 ca mới, có tới 873 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, với 118 người phải thở oxy và 21 người trong tình trạng nguy kịch.
Cũng chính vì thế mà Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói rằng đây là một “bước chuyển giao” cần phải thích ứng và điều chỉnh để hướng đến chiến lược “sống chung” với Covid-19 thay vì loại bỏ hoàn toàn đại dịch này.
“Chúng tôi đang trên con đường chuyển tiếp sang một trạng thái bình thường mới là “sống chung” với Covid-19. Đó là một hành trình khó đoán và đầy những khúc cua” - người đứng đầu ngành Y tế Singapore nói.
Kể từ giữa tháng 9, Singapore mở rộng chăm sóc tại nhà, áp dụng cho toàn bộ những người nhiễm Covid-19 đã tiêm vaccine đầy đủ ở độ tuổi 12 đến 60 không có triệu chứng nặng. Theo đó, trung bình cứ 10 ca nhiễm thì có 7 người được điều trị tại nhà, giúp giảm bớt áp lực cho các bệnh viện và trung tâm y tế.
Ong Eu Jin Roy, một bác sĩ gia đình ở Singapore nói: “Khi Chính phủ muốn chúng tôi mở cửa và “sống chung” với dịch bệnh, tôi nghĩ điều này thật tuyệt, bởi vì chúng tôi thực sự đã tiến đến giới hạn cuối của mình rồi”.
Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói với Al Jazeera: “Kể cả khi virus chỉ gây nguy cơ nghiêm trọng cho những người dễ bị tổn thương và chưa tiêm vaccine, việc sống chung với Covid-19 có nghĩa là nhiều biện pháp phòng chống dịch mà người Singapore đã thực hiện như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, làm việc tại nhà, hạn chế du lịch nội địa… vẫn cần được tuân thủ”.
Tương tự, bà Jeannette Ickovics - chuyên về tâm lý và sức khỏe cộng đồng Đại học Yale-NUS ở Singapore nhận định với Al Jazeera rằng: “Làm thế nào chúng ta có thể “sống chung” được với Covid-19? Hãy quay trở lại các thói quen cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội; và nếu cảm thấy không khỏe thì hãy ở nhà. Cố gắng sắp xếp công việc sao cho hợp lý, đánh giá và trình bày rõ ràng những gì bạn cần để hoàn thành công việc”.
Còn Eugene Tan, Giáo sư luật tại Trường Đại học Quản lý Singapore, bình luận: “Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, sự cần thiết phải có một cách tiếp cận đối với không chỉ toàn bộ Chính phủ mà còn với cả xã hội để đối phó với đại dịch. Tuy Singapore có lợi thế về sự hợp tác của người dân, song việc sử dụng công nghệ để truy vết tiếp xúc cũng đóng vai trò then chốt trong kiểm soát đại dịch”.
Nhìn chung, dẫu còn những lo ngại và cảnh báo, nhưng Singapore vẫn là quốc gia tiên phong trong việc “sống chung” với Covid-19. Điều đó khích lệ các quốc gia không chỉ ở châu Á mà còn rộng rãi hơn nhiều sớm “mở cửa” khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống không để cho Covid-19 uy hiếp, cho dù đó có là biến thể Delta đi chăng nữa.
Giám đốc điều hành Moderna của Mỹ, Tiến sĩ Stephane Bancel cho rằng Covid-19 có thể kết thúc trong một năm tới, khi việc tăng cường sản xuất vaccine đảm bảo nguồn cung toàn cầu. “Sự mở rộng năng lực sản xuất toàn ngành trong 6 tháng qua sẽ giúp cung cấp đủ liều vaccine vào giữa năm tới để mọi người trên Trái đất có thể được tiêm phòng. Mũi tiêm tăng cường cũng có thể thực hiện được ở mức độ cần thiết” - ông Bancel nói, đồng thời cũng cho rằng sẽ sớm có vaccine Covid-19 cho trẻ sơ sinh.
CEO Moderna hy vọng các chính phủ phê duyệt mũi tiêm tăng cường cho những người đã được tiêm chủng, vì bệnh nhân nguy cơ cao đã tiêm phòng “chắc chắn” cần được tiêm lại. Liều lượng mũi tiêm tăng cường chỉ bằng một nửa so với mũi ban đầu, đồng nghĩa sẽ có nhiều vaccine hơn. “Lượng vaccine là yếu tố hạn chế lớn nhất. Bằng cách tiêm nửa liều, chúng ta sẽ có ba tỷ liều trên toàn thế giới trong năm tới thay vì chỉ hai tỷ” - ông Bancel nhấn mạnh và cho biết Moderna đang thử nghiệm lâm sàng phiên bản được tối ưu hóa để chống biến thể Delta, tạo cơ sở cho tiêm chủng tăng cường năm 2022.