Nền kinh tế trước giờ G: Sẵn sàng giai đoạn phục hồi
Cho tới thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh đang từng bước được khống chế, các địa phương đã lên kịch bản để sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế.
Hà Nội phấn đấu đạt tăng trưởng 4,54%
Chuẩn bị cho việc phục hồi nên kinh tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 là tiền đề để Thành phố triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021.
Theo ông Chu Ngọc Anh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I (tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%).
Một số chỉ tiêu 8 tháng cũng tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 22,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện: Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 841,8 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 164.400 tỷ đồng, tăng 8,4%.
Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã xác định tập trung thực hiện hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường…
“UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế-xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV-2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Hà Nội cũng xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường, nhân lực, kết nối cung cầu và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính...”, ông Chu Ngọc Anh cho hay.
Phục hồi từng bước
Cùng với Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai hiện cũng đứng trước áp lực lớn trong việc vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Từ ngày 20/9, Đồng Nai bắt đầu thực hiện kế hoạch về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương trong tình hình mới. Các DN trong các KCN cũng đã lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện có hơn 600 DN đang tạm dừng hoạt động dự kiến sẽ sản xuất trở lại vào cuối tháng này.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc “mở cửa” và phục hồi kinh tế cần dựa trên sự thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Việc “mở cửa” được tiến hành từng bước theo lộ trình hướng tới sự bền vững; thường xuyên đánh giá và cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như mức độ nguy cơ.
Tương tự, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Bình Dương sẽ từng bước mở rộng các điều kiện và ngành nghề hoạt động theo 3 giai đoạn kể từ sau ngày 15/9. Cụ thể: Giai đoạn 1, từ 15/9 đến 31/10, ưu tiên triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng xanh gồm các huyện Phú Giáo, Dầu tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX Bến Cát và TP Thủ Dầu Một.
Trong giai đoạn này, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp (khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”), mở rộng “vùng xanh”, xét nghiệm nhanh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Giai đoạn 2, từ sau 31/10, trong trường hợp kiểm soát được dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, trong điều kiện vaccine được cung cấp liên tục, đầy đủ và đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc.
Trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Giai đoạn 3, sau 31/12, Bình Dương sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng…
Theo các chuyên gia kinh tế, trước làn sóng dịch thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 tới nay hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, rời thị trường do không “trụ” được. Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn tới nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy. Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Chính vì vậy, trong lộ trình mở cửa trở lại, các tỉnh, thành khẳng định đã có những giải pháp hỗ trợ DN cũng như người dân gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước...