Giải pháp cho đầu tàu kinh tế phía Nam
TP HCM là đầu tàu kinh tế phía Nam, trong đại dịch Covid-19, nơi đây cũng lại là “tâm dịch” lớn nhất cả nước. Do đó, việc phục hồi nền kinh tế “đầu tàu” được đặc biệt quan tâm, nhất là khi thời điểm sắp kết thúc giãn cách xã hội.
Phục hồi thế nào trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn chưa kiểm soát triệt để? Đó là câu hỏi rất lớn hiện nay khi TP HCM đang tìm hướng cho giai đoạn “bình thường mới”, sau 30/9. Vấn đề phục hồi nền kinh tế “đầu tàu” được trung ương coi là một trong những ưu tiên trong quý IV năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đối với TP HCM là đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trong nhiều tháng qua. Việc phục hồi kinh tế - xã hội cũng được lãnh đạo TP HCM đặt ra từ đầu tháng 9 cho đến nay. Bối cảnh chống dịch của thành phố đang chuyển trọng tâm sang phủ 100% tiêm vaccine phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng. Song song đó là các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải từng bước mở dần, thích ứng an toàn để kinh tế phục hồi và các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường. “Các ngành, các cấp phải hình dung được những tình huống phát sinh khi mở cửa trở lại để công tác quản lý, kiểm soát không tạo ra ùn ứ và đảm bảo các quyền đi lại, hoạt động giao thương, sinh hoạt… của người dân”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Một trong những khó khăn rất lớn hiện nay được các chuyên gia chỉ ra là các khó khăn về tài chính của thành phố. Khi gặp khó khăn trong đại dịch, thành phố đề nghị trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới được cấp khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là TP HCM cần nguồn tài chính cho giai đoạn cuối giãn cách xã hội, chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” sau 30/9.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, một trong các điều kiện để “bình thường mới” sống trong môi trường có Covid-19 là phải đảm bảo miễn dịch cho toàn dân. Ông Ngân đề nghị cần có giải pháp để nhanh chóng phủ vaccine, nhưng đồng thời cũng phải dự báo sát hơn số hộ kinh doanh cần hỗ trợ.
Giai đoạn phục hồi kinh tế tới đây của thành phố cần ưu tiên các chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, để nguồn lực này sẵn sàng trở lại, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
TP HCM đang chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn “bình thường mới”. Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, vừa qua Thường trực HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 97 về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn (đợt 3). Chiến lược về an sinh xã hội với các vấn đề về lao động, an sinh, xã hội... là bước quan trọng để thành phố mở cửa “bình thường mới”.
Khi thời điểm “giờ G” đã đến rất gần, trong khi nhiệm vụ về phục hồi kinh tế không thể bỏ lỡ cơ hội. TP HCM cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất. Từ đó, xây dựng lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn phù hợp để khôi phục và giữ vững vị thế của nền kinh tế “đầu tàu” và trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước.