Văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Khu vườn yên tĩnh
Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cho thiếu nhi thưa vắng đi nhiều. Các giải thưởng văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi cũng ít xuất hiện. Làm sao để “khu vườn” văn hóa - nghệ thuật cho thiếu nhi bớt phần yên tĩnh?
1. Nếu nhìn qua các lĩnh vực khác dành cho người lớn, đâu đó vẫn có thể gặp những hoạt động được tổ chức online. Chỗ này thực hiện chương trình ca nhạc trực tuyến, sân khấu kia biểu diễn không khán giả (và phát trực tiếp trên sóng truyền hình). Các bảo tàng cũng đã chịu khó thực hiện các phòng triển lãm 3D phục vụ công chúng… Còn sân chơi nghệ thuật cho thiếu nhi thì có phần “án binh bất động”.
Cách đây ít lâu, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) thông báo rộng rãi trên quy mô cả nước về Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam 2021 khiến nhiều phụ huynh cảm thấy vui. Sân chơi này dành cho các em thiếu nhi từ 5 đến 15 tuổi. Vui vì các em trong thời gian giãn cách có cơ hội để bày tỏ, bộc lộ khả năng, năng khiếu mỹ thuật của mình.
Một sân chơi khác, cũng được nhiều người chờ đợi, đó là Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn được tổ chức thường niên. Giải thưởng này chuẩn bị bắt đầu vào mùa tìm kiếm tác phẩm dự thi thứ 3, nhưng cũng có thể hi vọng sẽ trở thành nơi hội tụ những tài năng văn học - nghệ thuật nhí của cả nước. Hồi tháng 6 vừa qua, lễ trao giải thưởng lần 2 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Ở mùa thứ 2 này, bên cạnh nhiều tên tuổi nhà văn - đạo diễn đã được nhiều người biết có sáng tác cho thiếu nhi, giải thưởng tôn vinh họa sĩ nhí Xèo Chu với chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống. Xèo Chu sinh năm 2007 đã có nhiều triển lãm trong và ngoài nước, tranh được bán với giá khá cao so với các bạn cùng trang lứa.
Bên cạnh đó, một số gương mặt mới qua tuổi thiếu nhi khác cũng được gọi tên như họa sĩ - tác giả Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng); tác giả Nguyễn Hoàng Vũ cùng các hoạ sĩ: Gà’s little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.
Trước đó, trong mùa giải đầu tiên, giải Dế Mèn cũng đã phát hiện và trao giải cho 2 tài năng nhí là Cao Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về Covid-19.
2. Có một điều chắc chắn rằng, để có được những tác phẩm nghệ thuật hay giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi có uy tín, có chất lượng, thì công tác đào tạo, định hướng, gieo mầm nghệ thuật phải được chú trọng.
Nhưng xem ra, việc “ươm mầm nghệ thuật” dành cho thiếu nhi ít được chú trọng do tâm lý phụ huynh và trào lưu xã hội có xu hướng theo đuổi những nghề nghiệp có tính chất ổn định, kiếm được nhiều tiền hơn là theo đuổi nghệ thuật.
Cách đây ít lâu, thông tin Hội Nhà văn Việt Nam cũng chuẩn bị cho giải thưởng văn học thiếu nhi khiến nhiều người đặt kỳ vọng. Bởi khi các nhà văn, nhà thơ ngồi xuống viết ra những câu chuyện, bài thơ, tiểu thuyết cho thiếu nhi, về thiếu nhi thì hẳn khu vườn văn học cho thiếu nhi sẽ bớt yên ắng.
Và thêm những nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ cũng cùng bắt tay viết ca khúc, sáng tác tranh, làm chương trình âm nhạc, phim truyện cho/ về thiếu nhi thì đời sống tinh thần của thiếu nhi Việt Nam mới đầy ắp hương vị, và những câu chuyện nhân văn đẹp đẽ, át đi những clip vô bổ, nhốn nháo nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Văn học thiếu nhi trong nhiều năm nay có những khoảng trống. Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay của chúng ta rất mỏng. Thậm chí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay các tác giả viết thường xuyên. Viết cho thiếu nhi là khó, nhưng việc đặt vấn đề để viết cho thiếu nhi thì các nhà văn chưa thực sự coi đó là một sứ mệnh lớn, lượng sách dành cho thiếu nhi ở các quốc gia trên thế giới rất hệ trọng, thậm chí là thước đo cho sự phát triển, tại Việt Nam chưa làm được điều này. Mỗi ngày tôi cảm thấy ý thức và niềm đam mê viết cho thiếu nhi giảm đi trong các nhà văn. Phải chăng vì đời sống đương đại có qua nhiều vấn đề làm cho các nhà văn bị cuốn vào đó. Nhưng cho dù với lý do gì thì đó vẫn là một điều bất ổn.