Thức tỉnh và buông bỏ

Trang Thanh 26/09/2021 14:00

Người ta thường nói ở trên mặt đất có vật gì thì ở dưới đại dương có vật tương ứng, ví như trong rừng có con voi thì dưới biển có cá voi, rừng có con ngựa thì biển có cá ngựa…

Ảnh: Wallcoo.

Tôi hình dung những núi cao, suối sâu, vực thẳm hay là biển rộng, đèo cao, những địa thế trập trùng, ngoắt ngoéo, sự gập ghềnh khúc khuỷu của thiên nhiên cũng tựa như những đoạn, khúc, những thăng trầm, ngã rẽ, sự quăng lên quật xuống của đời người. Không biết, liệu ứng với những sông dài, bãi rộng, những ngàn xanh, đảo thắm, có phải là những quãng phẳng lặng suôn sẻ của đời người, hay ít ra, nếu gặp, con người sẽ có những khoảnh khắc êm đềm giữa thiên nhiên.

Thế giới tưởng tượng trong con người luôn được kích thích bởi tâm tưởng, trí não họ luôn muốn thấy những gì mình nghe và khát khao chiếm lĩnh những gì mình thấy. Tương tự như thế, con người thường luôn thèm khát những gì mình thấy nơi người khác mà mình thì không có, vậy nên mới sinh ra những tham vọng. Mà tham vọng thì thường đẩy sức tưởng tượng và hành động nhiều khi đi quá xa.
Một con cá voi mà thực chất là tảng đá khổng lồ trong cuốn sách “Cá voi đỉnh núi” của nhà văn Hàn Quốc Lee Soon Won (sinh năm 1958 tại Gangneung), từ trên đỉnh cao chót vót của núi non lại có thể “bơi” ra biển, hòa mình vào muôn trùng sóng. Câu chuyện chỉ có thể xảy ra trong tâm tưởng, thực chất là trải nghiệm và bài học về tham vọng, thức tỉnh và sự buông bỏ.

Tảng đá ban đầu có cái tên gọi đơn giản là Đá Cá Voi. Nó cứ im lìm trên đỉnh núi ngàn năm như thế nếu không phải một ngày, có chú chim biển bé tí vượt núi xuyên mây bay đến đậu lên mình và thầm thì kể cho nó nghe những câu chuyện về biển cả với muôn vàn loài cá, trong đó ấn tượng nhất là loài cá voi xanh to lớn giống hệt Đá Cá Voi. Ôi, vậy thì tại sao ta lại cứ ở mãi tít trên đỉnh núi cao này, ngày đêm lạnh lẽo sương vây, mây phủ? Trong lòng Đá Cá Voi có điều gì tựa như một ước muốn, một khát vọng to lớn đang cựa quậy. Như con chim non bắt đầu tập đập cánh, nó nghĩ: “Một ngày kia, nhất định mình sẽ đến đó!”.

Thế rồi, trong một đêm mưa gió bão bùng, có tiếng sét lớn ngang trời giáng xuống, cắt đứt thân hình Đá Cá Voi ra làm đôi, nửa thân trên lăn xuống sườn núi, nửa thân dưới của chú ở lại trên đỉnh núi và được mang cái tên mới: Đá Phẳng. Không lẽ, từ nay mình chỉ còn là nơi để hổ đến tránh mưa, gấu đến làm ổ, thỏ đến tránh tuyết ư? Đá Cá Voi nghĩ, và tiếp tục hun đúc ý chí tìm về với đại dương.

Thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn không ngừng làm tổn thương Đá Cá Voi khi tiếp tục vỡ nó ra làm đôi, làm ba, thành Đá Nhọn, Đá Đặt Chân ven bờ, rồi tiếp tục nhỏ lại chỉ còn là Đá Giặt, Đá Cuội nơi lòng suối… Nhưng cuối cùng, sau bao đau đớn của tan vỡ, của hoang mang, dao động, tự ti về thân hình không còn nguyên vẹn của mình, Đá Cá Voi đã ra được biển lớn khi nó chỉ còn là một hạt cát. Lúc này, nó hạnh phúc được biển cả ôm trọn vào lòng.

Ước mơ to lớn hay chính là tham vọng của Đá Cá Voi đã hóa thành hiện thực, nhưng trên con đường đi tìm hạnh phúc, để hiện thực hóa một việc không tưởng dù đẹp đẽ, nó đã mất mát, đã phải buông bỏ, mỗi bài học đều là một sự trả giá lớn. Mỗi lần vỡ ra đau đớn là như vừa trải qua một cuộc rời bỏ những ham muốn nặng nề, quá sức, để nhẹ nhõm đón nhận mình trưởng thành trong một thể dạng khác.

Có một hành trình giống như sự vào đời của một con người trong hình hài Đá Cá Voi khát khao ra biển, với mỗi khúc quanh là một lần lột xác để hoàn thiện mình hơn trong một hình hài khác, ở một thế giới rộng lớn khác.

Ai trong chúng ta cũng có những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp, từng ấp ủ nhiều mơ ước lớn lao, thậm chí khát khao muốn rời non lấp bể. Ai rồi cũng sẽ trải qua những bước ngoặt gồm cả sự vượt lên gian khó và có thể sẽ công thành danh toại. Những tham vọng nối tiếp khiến chúng ta luôn hối hả, gấp gáp sống, công việc luôn hối thúc ta với những hạn mức và chỉ tiêu, tưởng như chỉ có hạn mức và chỉ tiêu là cái đích duy nhất để ta ghi danh với cuộc đời. Nhưng, cái đích càng cao thì đường đua cuộc đời càng khốc liệt, không ít người đã phải rời khỏi đường đua với nguồn năng lượng cạn kiệt. Một cái giật mình tỉnh thức, một trận ốm để cơ thể và tâm trí có cơ hội chùng lại, giằng co tranh đấu, vỡ rồi lành lại, có khi lại là cơ hội tốt nhất cho ai đó đã từng không biết đâu là điểm dừng của những tham vọng. Để hiểu rằng, cuộc đua đằng đẵng của đời người cần phải được phân chặng và cắt đoạn, con người cần có lúc dừng, nghỉ, lắng lại cả thân tâm; cơ thể cần được thả lỏng, cân bằng, tưới tắm nguồn năng lượng mới. Chúng ta không phải là sợi dây thun có thể căng mình ra mãi mãi, một quãng đứt cần thiết sẽ đưa ta đi tới cuộc lột xác làm mới chính mình.

Như ngôi nhà cao tầng cần chiếu nghỉ cầu thang, con người cần một quãng lặng để nhìn lại những việc mình đã làm. Quãng lặng ấy là chiếu nghỉ của tâm trí, một phương thuốc chữa lành cho thân tâm, trí não mỏi mệt của chúng ta, để những gánh nặng ví như cơn bệnh của đoạn đời đã qua được cất xuống. Sự buông bỏ hay một cuộc lột xác khi ấy không có nghĩa làm ta mất mát, nhỏ bé hay yếu ớt đi, ngược lại, khiến ta chuyển đổi tâm ý để lớn lên trong một hình hài mới, tâm thế mới. Như sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã không ngừng làm tổn thương Đá Cá Voi khi nó quá khát khao một chuyến hành trình về với biển, để phải vỡ nó ra làm đôi, làm ba, và vỡ tiếp thành Đá Cuội, rồi Đá Nhọn… Thiên nhiên muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì, khi liên tiếp giáng xuống Đá Cá Voi những cú đập không nương tay của số phận, cuối cùng biến nó thành hạt cát, để nhận về bài học buông bỏ để hạnh phúc. Trong hành trình nhân hóa vươn ra biển lớn của Đá Cá Voi, liệu có ẩn dụ điều gì mang tên sự kiêu ngạo, ảo tưởng sức mạnh của con người, khi không ngừng tham vọng và chiếm lĩnh, tìm mọi cách để đạt được những mục đích như chỉ có trong tưởng tượng?

Cơn chấn động Covid-19 đến với thế giới như một ác mộng, sức tàn phá và hủy diệt của nó đã đánh thẳng những đòn chí tử vào thành trì kiêu ngạo và ảo tưởng sức mạnh của con người. Thế giới này đang quá dư thừa các loại vũ khí chiến tranh, các sản phẩm công nghệ và xa xỉ ngày càng chất chồng lên đời sống, nhằm kích thích những nhu cầu không mấy cần thiết của con người. Trong khi đó, thiết bị, vật tư y tế, thuốc men lại thiếu thốn, khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng khi một con virus bất ngờ “viếng thăm”, khiến con người phải sống trong hoảng sợ, đau đớn, chết chóc và vật lộn.

Nếu nhìn nhận Covid-19 như một thử thách lớn đối với thế giới, chúng ta đã bắt đầu sự thức tỉnh. Chúng ta buộc phải “sống chậm”, buộc phải tạm dừng chân nơi chiếu nghỉ hành trình để bảo toàn sức khỏe và sinh mạng của chính mình và cộng đồng. Thời gian nghỉ ngơi áp đặt và thụ động vô hình trung khiến chúng ta nhận ra những ngày qua đã “sống như một mũi tên bay”. Nhưng Covid-19 đã đến còn nhanh hơn những mũi tên của lòng tham và sự ích kỷ, như cách để thức tỉnh con người hãy buông bỏ bớt những tham vọng của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa bá quyền. Ở tầm quốc gia, là đầu tư cho y tế và sức khỏe, nông nghiệp lành và năng lượng sạch; bớt đi những nhà máy, công xưởng nhân danh “sự phát triển” nhưng thực ra lại thải sự độc hại ra môi trường, gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Trong phạm vi gia đình, trong mỗi người là bớt đi thói quen mua sắm dư thừa, để sống tối giản, chuyển mục tiêu sang chăm lo cho sức khỏe, trí tuệ và tâm hồn.

Mục tiêu của con người ở mỗi quốc gia có thể khác nhau, nhưng chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm là kẻ thù chung của toàn nhân loại. Có lẽ, Covid-19 đã khiến nhân loại thấm thía, rằng mọi sự phát triển cho dù thành tựu bao nhiêu về tiến bộ kĩ thuật và kinh tế, nếu không được thay đổi mục tiêu ưu tiên cao nhất vì sự an lành, hạnh phúc thực sự của con người, thì chính con người sớm muộn sẽ chịu sự trả giá.

Sự thức tỉnh lúc này đây đang bao hàm cả sự buông bỏ sau những cái giá quá đắt, để mong sao khi đại dịch kết thúc, chúng ta có thể gây dựng lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đó, con người vẫn sẽ cùng nhau hiện thực hóa những khát vọng, những mục tiêu xây dựng và phát triển, nhưng sẽ giảm đi sự hối thúc “sống như một mũi tên bay”. Thế giới luôn cần có tham vọng để phát triển, nhưng con người cũng luôn cần những tấm vé khứ hồi về nơi chiếu nghỉ tâm hồn làm mạnh lại chính mình. Những tham vọng gây tàn phá và hủy hoại cần biến mất, thay vào đó là giá trị bền vững được tạo ra từ những hoài bão tốt đẹp, sự tử tế, tình yêu thương và sự vun trồng.

Trang Thanh