Nhà thơ Trang Thanh: Tôn trọng, tạo điều kiện và chia sẻ
“Sự đồng hành của cha mẹ với con ở thời nay cần phải được thay đổi, mở rộng quan niệm”. Nhà thơ Trang Thanh chia sẻ: “Trước ta nghĩ yêu thương con là hướng con theo những điều mà cha mẹ muốn, cha mẹ cho là tốt, giờ phải tôn trọng ý muốn cá nhân của con, thấu hiểu con, tạo điều kiện cho con phát triển và chia sẻ với con những điều con mong muốn chính đáng”.
Có lần cậu con trai của nhà thơ Trang Thanh bức xúc: “Mẹ, sao mẹ cứ ôm cái điện thoại mãi thế? Cứ như thể cái điện thoại là con của mẹ”! Dù giật mình nhưng chị vẫn cố làm như chưa nghe gì, cười cười: “Ôi mẹ khát nước quá! Con cho mẹ xin cốc nước được không”? Chẳng ngờ con trai chị nói: “Sao mẹ không bảo cái điện thoại đi lấy nước cho mẹ!?”. Điều này đã ghi vào tâm trí và chị coi câu chuyện này là bài học về đồng hành cùng con.
“Tôi rất hiểu vai trò đồng hành cùng con không chỉ là việc đầu tư giáo dục”, nhà thơ Trang Thanh chia sẻ. “Cha mẹ không được thờ ơ, xao nhãng, phải làm bạn được với con, mỗi ngày chơi cùng con, là điểm tựa tinh thần kể cả khi con đã trưởng thành. Nhưng đã có lúc tôi cũng dành thời gian nhắn tin, lướt Facebook nhiều hơn là cùng con đọc một cuốn sách, bày Lego ra lắp, trong khi con rất cần cha mẹ quan tâm, thấu hiểu đến từng cảm xúc, mong muốn dù rất nhỏ”.
“Với trẻ em, được cha mẹ chơi cùng là một hạnh phúc. Có một câu mà con tôi thỉnh thoảng dằn dỗi: “Mẹ chơi với con một lúc thôi cũng không được à?”. Trẻ em coi việc chơi là nghiêm túc. Chơi là cách trẻ thể hiện năng lực cá nhân, học kĩ năng giao tiếp, hợp tác… Tôi hiểu rằng cha mẹ cần thông qua vui chơi để dạy con, con lớn hơn thì cùng chia sẻ những sở thích và vấn đề con quan tâm, để hiểu con hơn từ trong cách chơi, trong đam mê, sở thích của chúng”.
Vì tình yêu thương của mẹ, bé trai của nhà thơ Trang Thanh nhanh nhẹn, linh hoạt, ưa khám phá, ham hiểu biết. “Tuy nhiên cháu cũng đam mê nhiều thứ như phim ảnh, chơi games, lập trình, những sở thích ấy nên được đáp ứng một cách có giới hạn, có lúc tôi dùng chính đam mê ấy để “ràng buộc” điều kiện học tập với con. Tôi luôn tạo điều kiện về giao lưu, tham gia các hoạt động tập thể như biểu diễn, trải nghiệm thực tế cho con cả ở trường cũng như ở ngoài xã hội. Đi ra đường con thấy người già, trẻ em bán hàng rong thì gọi mẹ để mua giúp, tức là con biết chủ động quan tâm, chia sẻ, mình quan tâm bồi đắp cùng con mỗi ngày thì có thể hi vọng lớn lên con sẽ là người giàu lòng trắc ẩn”.
Khi đồng hành cùng con, nhà thơ Trang Thanh tự vạch ra những quy tắc trên cơ sở hiểu rằng đồng hành cùng con không có nghĩa là áp đặt mà thấu hiểu, chia sẻ, và trong hành trình ấy, muốn có con tự tin, cha mẹ cần biết tôn trọng, trao niềm tin và khích lệ: “Nuôi dạy con, tôi nhận thấy mình cũng học được ở các con nhiều điều. Cách ứng xử và giáo dục trẻ em ngày nay đã nhiều thay đổi và tôi cũng phải luôn cập nhật, như thế mới đồng hành tốt với con được.
Tôi luôn dạy các con phải làm một người tốt, sống lương thiện trước khi có thể làm một người giỏi. Mỗi ngày tôi đều tranh thủ trong lúc chơi, trò chuyện thậm chí là trong bữa ăn, khi đi ngủ, dùng nhiều cách để hướng các con đến những suy nghĩ lành mạnh, hướng thiện, bao dung. Tôi cho rằng để dạy con thì chính cha mẹ phải học hỏi và làm gương, mình phải cúi xuống thật gần với con, đừng chỉ đứng ở vị trí cha mẹ mà chỉ tay và đưa ra chỉ tiêu, điều kiện”.
Theo Nhà thơ Trang Thanh, cơ bản có mấy thái cực của cha mẹ: “Một là rất quan tâm việc học của con theo ý chí của mình, học kiến thức là mục đích cao nhất: chọn trường tốt, “chăm sóc” cô giáo đến tận nơi và đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian học thêm, coi đó là phương pháp giáo dục hiệu quả; Hai là cha mẹ quan tâm đến những xu hướng giáo dục hiện đại, ưu tiên phát triển kĩ năng toàn diện, tạo điều kiện phát huy năng lực cá nhân của con, nhưng vẫn rất coi trọng việc giáo dục gia đình. Ba là bận rộn tối ngày, phó mặc con cho nhà trường, gia sư, nhưng lại áp đặt ý chí của người lớn lên trẻ con, khi không vừa lòng thì quát tháo, mắng mỏ. Bốn là cha mẹ thế nào cũng được, trường bảo sao mình nghe vậy, xã hội thế nào mình theo vậy…”.
Nhà thơ Trang Thanh mong muốn hướng đến “hình mẫu” cha mẹ thứ hai: “Tôi là người mẹ không bảo thủ trong giáo dục. Tôi tin nhà trường là môi trường tốt để con hòa nhập, phát triển bản thân, quản lý cảm xúc trong điều kiện tập thể. Tôi cũng tin vào việc các thầy cô có thể dạy kiến thức cho con tốt hơn cha mẹ, nhưng gia đình vẫn phải là nền tảng chăm sóc, giáo dục căn bản để con lớn lên”.
Gần hai năm qua, khi giãn cách liên tục, gia đình nhà thơ Trang Thanh coi việc học online nghiêm túc như đến trường, đúng giờ, đủ bài, không môn nào được lơ là.
“Thời gian giãn cách là lúc gia đình tôi quan tâm hơn đến việc chăm sóc dinh dưỡng và bồi đắp đời sống tinh thần. Tôi dạy các con sử dụng thực phẩm an lành, ăn đủ chất, làm món đơn giản, lên lịch hàng ngày rèn thể chất, chia sẻ việc nhà, đọc sách, nghe nhạc, chơi đàn; trong mọi việc đều có ra định mức, có khuyến khích, thưởng và phạt. Chẳng hạn, cháu nhỏ sẽ hoàn thành hết bài tập ở trường, đọc mỗi ngày 50 trang sách, học đàn 30 phút thì sẽ được một lần chơi games khoảng 1 tiếng. Cũng có ngày con lười, không đọc trang sách nào đâu nhưng dù sao một tuần phải đọc xong một cuốn. Con thích học lập trình thì thưởng một khóa học online mùa hè. Con thích phim ảnh thì mẹ lên một danh sách phim kinh điển cho trẻ em rồi mẹ con xem dần vào cuối tuần, phim hoạt hình thì để con thư giãn hàng ngày. Mình không thể cấm con xem ti vi được, tôi coi ti vi có nhiều hữu ích với con. Kể cả games, cấm con trong khi các bạn khác chơi thì con có cảm giác kém cỏi và sẽ tìm cách gian dối, nên tôi coi games là phần thưởng khi con hoàn thành tốt nhiệm vụ”, nhà thơ Tranh Thanh chia sẻ.
Giãn cách kéo dài có thể khiến trẻ bị stress vì thiếu sự vận động, thiếu thiên nhiên, bè bạn, với nhà thơ Trang Thanh, lúc này, cha mẹ càng phải quan tâm đến cảm xúc của con, cùng con học hành, tranh thủ bồi đắp tinh thần cho con, giúp con kết nối online với bè bạn. “Việc học online có thể khó khăn lúc đầu với nhiều trẻ nhưng cũng dạy cho các con nhiều kĩ năng tốt. Cha mẹ nên hướng các con và cả bản thân mình đến việc chủ động thích ứng, nếu điều kiện cho phép thì cố gắng phối hợp tốt với nhà trường, sẽ tốt cho con”.