Chờ tới ngày xanh

Thái Hương Liên 26/09/2021 20:50

Cô bạn hàng xóm nhắn tin cho tôi trên mạng xã hội: “Làng mình bây giờ giống y như ngày xưa nhỉ. Không biết bao giờ mới được trở thành vùng xanh đây…”.

Tiếp đến là một cái icon mặt buồn nhảy lên màn hình. Cuộc trò chuyện dạo này thường bị những biểu tượng mặt buồn, lo lắng chen vào giữa… Nhà kề vách mà cả tháng trời không gặp gỡ, muốn nói chuyện hay có việc gì cần cũng chỉ ới nhau qua cái smartphone.

“Giống ngày xưa” vì làng tôi giờ đây yên tĩnh và vắng vẻ đến khác lạ. Chẳng có tiếng còi xe ồn ã, chẳng có cảnh ùn ứ kẹt xe mỗi buổi tan tầm. Lâu lâu mới có một chiếc xe máy rù rì chạy qua, trên xe chỉ toàn những rau cỏ thịt cá… Đường làng thưa thớt tiếng người, ai cũng mũ áo khẩu trang kín mít. Những ngả đường chính vào làng, hàng rào được dựng lên kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại.

Buổi sáng, khi mặt trời đã lên cao rồi mà nhiều ngôi nhà mặt đường vẫn còn chưa hé cửa. Làng nghề vắng lặng, không có tiếng máy móc xe cộ vào ra bốc hàng nên buồn hiu, các cửa hàng đóng cửa im lìm trông xa lạ hẳn. Chỉ còn có thiên nhiên vẫn ung dung tự tại. Tiếng gió rớt vào đám lá trong vườn xào xạc nghe như một bản nhạc không lời. Lũ chim được dịp sà xuống mặt đường lích rích kiếm mồi như thể nơi này sinh ra là để dành cho chúng… Giá không có cái loa truyền thanh rột rẹt nói về tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm chỉnh quy định chống dịch thì đây chắc hẳn phải là một trong những thời khắc tuyệt vời của năm. Sáng nay, mùa thu đã về thật rồi qua màu nắng vàng ươm và trong vắt.

Cũng không dễ dàng cho lắm khi phải tập cho mình một thói quen mới: ở yên trong nhà khi mọi ngày mỗi người là một cánh chim tự do bay nhảy. Tình cảnh có vẻ giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó, một con quái vật hung hãn bất ngờ xuất hiện và mang đến mối hiểm nguy khó lường cho tất cả mọi người. Chẳng ai có thể tưởng tượng ra một ngày mình sẽ không được an toàn nếu đến chỗ đông người, đi gặp bè bạn, người thân, thậm chí cả không đến được nơi làm việc. Mà có khi chính mình lại đem đến nỗi hiểm nguy cho người khác cũng nên. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa khi nào mong manh đến thế. Những bản tin hàng ngày trên tivi cho thấy ở nơi này nơi nọ, bệnh dịch đang hoành hành khốc liệt, đẩy rất nhiều mảnh đời vào cảnh cơ cực, chia lìa. Rồi những tin tức của người thân người quen đang sống nơi tâm dịch cũng từng giờ từng phút khiến tâm trạng cảm thấy bất an. Người ta bắt đầu khuyên nhau sống chậm lại, trân trọng những điều đang có, hãy nghĩ nhiều hơn cho người khác một chút, tạm gác lại lợi ích của bản thân… Công việc làm ăn đi vào một quãng nghỉ mông lung đầy thấp thỏm lo âu mà không một ai mong muốn. Suy nghĩ về cuộc sống mai này sẽ ra sao đầy ứ trong lòng mà không dám buông ra tiếng thở dài vì sợ người bên cạnh bận tâm thêm nữa.

Những ngày giãn cách thật dài nhưng cũng đem lại vài ý nghĩa thiết thực khi người ta có thời gian nhìn lại bản thân mình. Tập làm lại những công việc mà đã thật lâu rồi mình lười nhác mà bỏ quên. Chẳng hạn như sửa sang lại ngôi nhà đã có vài chỗ xuống cấp, hay trồng thêm một vài cây xanh, buộc lại cái dây phơi đã chùng, gia cố lại cái giàn cây trên ban công đã bị gió bão lung lay. Cũng có thể là lên sân thượng tập mấy động tác thể dục bỏ quên từ hồi cơ thể còn săn chắc. Giật mình nhận ra chân tay đã bắt đầu đau, cái lưng đã có dấu hiệu mỏi…

Đêm khuya, nhắn lại cho cô bạn vài lời bông đùa tếu táo, kết thúc cuộc trò chuyện bằng một cái mặt cười rồi đi ngủ. Tự thấy mình vẫn còn may mắn, thấy quý giá những gì đang có. Thôi thì động viên nhau đi qua những nốt trầm trong cuộc sống, để chờ ban mai xanh đang dần tới.

Thái Hương Liên