Thông thương để phục hồi sản xuất
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện số 18 về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong việc tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là động thái nhận được nhiều sự quan tâm, chờ đợi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Đáng chú ý, Công điện của Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát quy định do địa phương ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, không để hàng hóa ùn tắc tại chốt kiểm dịch.
Thời gian qua, thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã áp dụng những biện pháp mạnh, có khi còn hơn cả mức cần thiết. Chính vì thế đã tạo ra tình thế “ngăn sông cấm chợ” rất không nên có. Việc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh này sang tỉnh khác, kể cả từ huyện này sang huyện khác, xã này sang xã khác bị “chặn” lại, khiến dòng chảy hàng hóa nghẽn mạch, đứt đoạn, chuỗi cung ứng hàng hóa không thông suốt. Vì thế đã tạo ra cảnh nơi thừa nơi thiếu, hàng hóa từ nơi sản xuất rất khó đến được người tiêu dùng. Người sản xuất thiệt thòi khi hàng hóa không tiêu thụ được, rớt giá trong khi đó người tiêu dùng thiếu thốn, phải mua với giá rất cao.
Việc vận chuyển hàng hóa tới cảng, tới cửa khẩu biên giới để xuất khẩu cũng gian nan trước những đòi hỏi, sự kiểm soát quá khắt khe.
Về phía các bộ, ngành cũng thiếu sự phối hợp khi mà có những chỉ đạo khác nhau khiến cho dòng chảy hàng hóa bị chững lại.
“Quyền anh, quyền tôi” đã tạo ra những “ốc đảo” với tình thế cô lập nơi này với nơi khác.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, chỉ đạo không được vì sợ dịch quá đến nỗi áp dụng những biện pháp cấm đoán gắt gao. Thủ tướng cũng đã nhiều lần yêu cầu không được để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, phải tạo ra “luồng xanh” trong vận chuyển hàng hóa cũng như giao thương nói chung trên phạm vi cả nước.
Đáng tiếc, việc kiểm soát với những đòi hỏi quá khắt khe thời gian qua đã diễn ra tại nhiều địa phương. Mỗi nơi quy định một kiểu, không thống nhất làm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kể cả tiểu thương cũng khó bề hoạt động. Sự nhỏ giọt hàng hóa do ách tắc trong khâu vận chuyển khiến đời sống xã hội thêm căng thẳng.
Tới nay, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng trên tổng thể dịch đã và đang được kiểm soát, khống chế. Không thể có khả năng “Zero Covid” thì cũng không thể tiếp tục ngăn dòng chảy hàng hóa. Dòng chảy hàng hóa gián đoạn, ùn tắc tất yếu dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh đình trệ. Nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người dân là việc phải làm, không thể chậm trễ hơn.
Giao thông được ví như mạch máu trong cơ thể. Mạch máu bị nghẽn sẽ khiến cho cơ thể yếu ớt, bệnh tật.
Để “mạch máu” không bị nghẽn, thì các tuyến tỉnh lộ, tuyến liên huyện, liên xã phải chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; thống nhất phương án tổ chức giao thông, nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó cũng rất cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm nếu không thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xảy ra ùn tắc giao thông.
Không thể giữ thói cửa quyền, vin vào cái cớ chống dịch của địa phương mình mà làm hỏng việc lớn quốc gia. Chủ trương của Chính phủ đã rất rõ ràng, đó là phải mở cửa để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cuộc sống của người dân; bên cạnh việc chủ động phòng, chống Covid-19. Thực hiện chủ trương đó thì giao thông vận tải phải được coi là nút thắt đầu tiên cần gỡ bỏ.