Afghanistan và hành trình của Taliban
Cuộc chiến ở Afghanistan đã gây thiệt hại nặng nề cho nước Mỹ trong vòng 20 năm qua với tổng chi phí lên tới hơn 800 tỷ USD, tương đương 3,4 tỷ USD mỗi tháng và khoảng 2.461 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng.
Lúc đỉnh điểm năm 2010, Mỹ đã điều động hơn 100.000 binh sĩ tới Afghanistan và đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden năm 2011. Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan tháng 5/2021 và chiến dịch sơ tán quân sự ở Afghanistan được coi là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 122.000 công dân Mỹ, người dân Afghanistan và công dân nước thứ 3 được sơ tán trong vòng 15 ngày.
Những dấu mốc quan trọng
Khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan, truyền thông Mỹ đã điểm lại những mốc quan trọng của cuộc chiến trong vòng 20 năm qua.
- Ngày 11/9/2001: Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan được phát động sau các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ do al-Qaeda ở Afghanistan lên kế hoạch và thực hiện, đứng đầu là trùm khủng bố Osama bin Laden với sự bảo vệ của Taliban.
- Ngày 7/10/2001: Các lực lượng Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích Taliban và các lực lượng al-Qaeda trên đất Afghanistan. Taliban nhanh chóng bị lật đổ và Mỹ chưa cần phải triển khai lực lượng chiến đấu lớn trên thực địa.
- Ngày 3/11/2001: Các lực lượng Liên minh miền Bắc (Afghanistan) do Mỹ hỗ trợ tiến vào Thủ đô Kabul sau khi Taliban rút về miền Nam. Trong vòng 1 tháng, lãnh đạo Taliban đã chạy khỏi miền Nam Afghanistan sang Pakistan.
- Tháng 12/2001: Không quân Mỹ ném bom khu hang động Tora Bora ở miền Đông Afghanistan nơi Bin Laden bị nghi đang ẩn náu, tuy nhiên Bin Laden đã chạy qua biên giới sang Pakistan và biến mất ở đó.
- Ngày 2/5/2003: Giới chức Mỹ tuyên bố chấm dứt các chiến dịch chiến đấu lớn ở Afghanistan. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ chuyển trọng tâm sang chuẩn bị cho cuộc chiến ở Iraq, do đó phải điều chuyển binh sĩ, thiết bị và thu thập tình báo từ Afghanistan sang chiến trường mới. Điều này đã giúp Taliban dần dần tái hợp, đầu tiên là miền Nam và sau đó là miền Đông.
- Từ năm 2006 đến năm 2008: Các lực lượng Mỹ chủ yếu chiến đấu ở Iraq, chỉ có một số nhỏ được duy trì ở Afghanistan. Taliban đã có những bước tiến lớn đe dọa chiếm lại nhiều phần lãnh thổ, đặc biệt là ở miền Nam. Để đáp trả, một phái bộ NATO mở rộng đã triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ, đặc biệt là các lực lượng của Anh tới Afghanistan.
- Ngày 17/2/2009: Khi Mỹ dần rút lui khỏi Iraq, Tổng thống mới nhậm chức Barack Obama đã ra lệnh bổ sung 17.000 binh sĩ để củng cố lực lượng 38.000 binh sĩ Mỹ và 32.000 binh sĩ từ 40 nước đồng minh NATO trên thực địa Afghanistan. Hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã vượt quá 100.000 binh sĩ vào giữa năm 2010.
- Tháng 5/2011: Đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden tại sào huyệt ở Abbottabad, gần một học viện huấn luyện quân sự của Pakistan.
- Tháng 12/2011: Các nhà ngoại giao Mỹ bắt đầu những cuộc họp bí mật với các đầu mối Taliban ở Đức và Qatar.
- Ngày 27/5/2014: Washington giảm bớt quân và chuyển sang huấn luyện và hỗ trợ quân đội Afghanistan. Tổng thống Obama đưa ra kế hoạch chỉ để lại 9.800 binh sĩ vào cuối năm và rút toàn bộ số binh sĩ còn lại vào cuối năm 2016.
- Ngày 28/12/2014: Mỹ rút gần hết lực lượng chiến đấu và chuyển tiếp sang cuộc chiến do lực lượng chính phủ Afghanistan đứng đầu.
- Ngày 21/8/2017: Tổng thống Donald Trump triển khai một lực lương nhỏ binh sĩ Mỹ nhằm hỗ trợ Afghanistan với mục đích buộc Taliban phải đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul.
- Ngày 29/2/2020: Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã ký một thỏa thuận với Taliban ở Doha nhằm rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Taliban đồng ý sẽ ngừng tấn công các lực lượng Mỹ, không để lãnh thổ Afghanistan bị khủng bố sử dụng, và tiến hành đàm phán với chính quyền Afghanistan, mặc dù các cuộc đàm phán sau này đều không hiệu quả.
- Ngày 14/4/2021: Tổng thống Joe Biden tuyên bố các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vô điều kiện trước ngày 11/9 theo thỏa thuận giữa Taiban và người tiền nhiệm Donald Trump.
- Ngày 2/7/2021: Quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Bagram cách thủ đô Kabul 60km về phía Bắc.
- Ngày 15/8/2021: Chỉ trong vòng 10 ngày, Taliban đã chiếm được Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội chính phủ. Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan. Mỹ và các đồng minh phương Tây tiến hành chiến dịch sơ tán công dân của mình và hàng chục nghìn người dân Afghanistan khỏi sân bay Kabul.
- Ngày 26/8/2021: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành một vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul khiến hàng trăm người thiệt mạng bao gồm 13 binh sĩ Mỹ, con số tử vong cao nhất đối với các lực lượng Mỹ ở Afghanistan trong vòng hơn 10 năm.
- Ngày 30/8/2021: Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ tuyên bố hoàn tất kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.
Sự “đổ vỡ” quân đội Chính phủ Afghnistan của Tổng thống Ashraf Ghani ngay sau khi binh sĩ Mỹ và liên quân bắt đầu rút đi, được các nhà phân tích nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, người ta đã không thể hình dung được vì sao thế cuộc lại chuyển biến mau lẹ đến vậy, và vì sao lực lượng Taliban với trang bị vũ khí không “dồi dào” nhưng đã nhanh chóng đánh bại quân chính phủ. Cơ quan tình báo Mỹ CIA từng cho rằng, Taliban muốn giành được quyền kiểm soát Afghanistan thì cũng cần ít nhất từ 2 đến 3 năm.
Nhưng, tất cả đều đã vượt xa dự đoán. Kể từ tháng 5/2021, Taliban đã tràn qua các vùng nông thôn và vào cuối tháng 6 ồ ạt tấn công các thành phố lớn tại Afghanistan lần đầu tiên sau nhiều năm. Hầu hết các thành phố quan trọng lần lượt lọt vào tay lực lượng này. Đợt tấn công “được cho là cuối cùng” chỉ diễn ra vẻn vẹn 7 ngày, các tay súng Taliban đã xiết chặt vòng vây quanh Thủ đô Kabul.
Ngày 15/8, hình ảnh những tay súng Taliban ngồi trong Dinh Tổng thống ở Kabul chính là một thông điệp rõ ràng rằng họ đã kiểm soát được Afghanistan.
Afghanistan là quốc gia không giáp biển, nằm ở nơi giao nhau của Trung Á và Nam Á. Afghanistan giáp với Pakistan ở phía đông và nam, với Iran ở phía tây, với Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc, giáp với Trung Quốc ở đông bắc. Afghanistan có 34 tỉnh, tổng số 38 triệu dân. Diện tích 652.860km2. Khoảng 4,5 triệu dân (12% dân số cả nước) sống ở thủ đô Kabul, phía đông Afghanistan. Những thành phố lớn khác gồm Herat (1,9 triệu dân), Nangarhar (1,5 triệu dân), Balkh (1,3 triệu dân) và Kandahar (1,2 triệu dân). Afghanistan và Pakistan có chung đường biên giới dài gần 2.600km, đây cũng là quốc gia có nhiều núi thứ 8 thế giới. Thủ đô Kabul cao hơn mực nước biển tới 2km. Dãy núi Hindu Kush (phần kéo dài của Himalaya) trải dài ở khu vực đông bắc Afghanistan, còn khu vực tây nam nước này chủ yếu bị sa mạc bao phủ. Sau nhiều thập niên bị chiến tranh tàn phá, tỉ lệ biết chữ ở Afghanistan là 43%, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Chỉ trên một nửa nam giới từ 15 tuổi biết đọc và viết, còn tỉ lệ này ở nữ giới thấp hơn nhiều, với chưa tới 1/3.
Những nhân vật “bí ẩn” của Taliban
Trước thắng lợi của Taliban, truyền thông quốc tế đưa ra nhiều “đồn đoán” về những nhân vật chủ chốt của lực lượng này, và “sắp ghế” cho họ khi có chính phủ mới. Do tính chất hoạt động của Taliban nên họ đã tạo ra được bức màn bí mật về lực lượng cũng như thủ lĩnh của mình. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đã từng điểm danh những nhân vật quyền lực đứng sau các chiến dịch của Taliban ở Afghanistan
Nhân vật sáng lập và là lãnh đạo ban đầu của Taliban là Mullah Mohammad Omar, người đã ẩn nấp sau khi Taliban bị các lực lượng địa phương với sự hậu thuẫn của Mỹ lật đổ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Nơi ẩn nấp lẫn cái chết của Omar bí mật tới nỗi phải tới năm 2013, tức là 2 năm sau đó, cái chết của lãnh đạo Taliban mới được con trai của nhân vật này xác nhận.
Tới nay, được biết tới là “lãnh tụ niềm tin”, Haibatullah Akhunzada là lãnh tụ tối cao của lực lượng Taliban, người ra quyết định cuối cùng về các vấn đề quân sự, tôn giáo và chính trị của lực lượng này. Akhunzada đã lên nắm quyền khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết chết trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan - Pakistan năm 2016.
Trong suốt 15 năm cho tới khi đột nhiên biến mất vào tháng 5/2016, Akhunzada từng thuyết giáo tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kuchlak, một thị trấn ở tây nam Pakistan. Nhân vật này được cho là khoảng 60 tuổi.
Nhân vật tiếp theo là Mullah Mohammad Yaqoob - con trai của người sáng lập Taliban (Mullah Omar), người chịu trách nhiệm giám sát các chiến dịch quân sự của lực lượng này. Yaqoob được cho là khoảng ngoài 30 tuổi.
Sirajuddin Haqqani - là con trai của chỉ huy lực lượng thánh chiến Jalaluddin Haqqani, Sirajuddin Haqqani lãnh đạo Mạng lưới Haqqani, một nhóm được tổ chức lỏng lẻo phụ trách việc giám sát các tài sản quân sự và tài chính của Taliban dọc biên giới Pakistan - Afghanistan. Haqqani được cho là khoảng 40-50 tuổi.
Mullah Abdul Ghani Baradar - là một trong những người đồng sáng lập lực lượng Taliban, hiện đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và là một phần trong nhóm đàm phán ở Doha, dọn đường cho lệnh ngừng bắn cũng như tiến trình hòa bình lâu dài ở Afghanistan; trước khi lực lượng Taliban tấn công giành quyền kiểm soát đất nước này.
Sher Mohammad Abbas Stanikzai - người đã sống ở Doha trong gần chục năm và từng đứng đầu văn phòng chính trị của lực lượng này tại đây vào năm 2015. Nhân vật này phụ trách việc đàm phán với chính phủ Afghanistan và đại diện cho lực lượng Taliban trong các chuyến ngoại giao tới một số nước.
Và cuối cùng là Abdul Hakim Haqqani - người đứng đầu đoàn đàm phán của Taliban và được cho là người mà lãnh đạo Akhunzada tin tưởng nhất.
Trong số các nhân vật kể trên thì Hibatullah Akhundzada được coi là thủ lĩnh tối cao bí ẩn của Taliban. Hibatullah Akhundzada là một học giả pháp luật Hồi giáo, 60 tuổi. Ông Akhundzada trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan - Pakistan năm 2016. Sau khi trở thành thủ lĩnh phong trào nổi dậy, giáo sĩ Hibatullah đối mặt với thách thức lớn là thống nhất một phong trào thánh chiến đã rạn vỡ trong một thời gian ngắn vì cuộc tranh giành quyền lực gay gắt.
Akhunzada lớn lên ở Panjwai, một quận ngoại ô Kandahar. Giống như hầu hết các thủ lĩnh cấp cao của Taliban, ông Akhunzada là người Pashtun, dân tộc lớn nhất của Afghanistan. Ông từng theo học tại các trường tôn giáo ở Afghanistan và nước láng giềng Pakistan, là “cố vấn” tôn giáo chính của thủ lĩnh Mullah Omar.
Rất ít người biết đến vai trò hàng ngày của Hibatullah. Các thông tin được công khai chỉ giới hạn ở việc ban hành các thông điệp hàng năm trong các ngày lễ Hồi giáo. Taliban cũng chỉ công bố bức ảnh duy nhất về ông Hibatullah.
Taliban có lịch sử giữ bí mật về lãnh đạo tối cao của họ. Nhân vật sáng lập bí ẩn Mullah Mohammad Omar được biết đến là người sống ẩn dật và hiếm khi đến Kabul khi Taliban nắm quyền vào những năm 1990.
Laurel Miller - người đứng đầu chương trình châu Á tại International Crisis Group, cho rằng ông Hibatullah có phong cách “ẩn dật” tương tự như người sáng lập Mullah Omar, “điều này có thể là do những lo ngại về an ninh”. Người ta cũng cho rằng ông Hibatullah sẽ xuất hiện khi Taliban lập chính phủ mới, nhưng sau đó cũng sẽ lại lui về “ẩn dật”.
Tương lai của Afghanistan?
Afghanistan, đất nước nghèo khó do những cuộc xung đột vũ trang kéo dài liên miên hàng chục năm. Tuy nhiên, đây là quốc gia có vị trí địa lý rất quan trọng trong khu vực, với những đường biên giới kéo dài đầy hiểm trở, từng là nơi trú chân của nhiều phe phái vũ trang, kể cả các nhóm khủng bố cực đoan.
Sau khi Taliban đã kiểm soát và tuyên bố sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo” Afghanistan, lực lượng Taliban cũng tuyên bố sẽ “hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về một tương lai bất định sẽ dành cho quốc gia này.
Các nhà quan sát chính trị thế giới cho rằng, một tương lai bất định sẽ dành cho Afghanistan. Đó là những khó khăn chồng chất với một quốc gia có tới ít nhất 54,5% dân số (trong tổng số 38 triệu dân) sống dưới ngưỡng nghèo đói (trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát) - theo Đài Al Jazeera.
Kể từ ngày 15/8, khi Talibal kiểm soát Thủ đô Kabul thì cũng là lúc làn sóng người di tản tăng vọt. Cuộc di cư ồ ạt này khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. Họ ra đi vì sợ bị trả thù, sợ bị sống trong sự cai quản của chế độ Hồi giáo cực đoan như hơn 20 năm trước, cho dù Taliban đã tuyên bố xóa bỏ quá khứ và sẽ thực thi một chế độ xã hội cởi mở.
Robert Crews - chuyên gia tại Đại học Stanford (Anh) cũng bày tỏ lo ngại rằng sau 20 năm quay trở lại nắm quyền, Taliban sẽ “áp đặt tầm nhìn của họ về luật Hồi giáo” mà theo họ là tốt nhất. Cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani thì nhận định Afghanistan sẽ không thể sớm ổn định vì tại đây có quá nhiều phe phái vũ trang, cũng như Taliban cũng không thể “một sớm một chiều thuyết phục được thế giới”. Ông Haqqani cũng cho rằng còn một lo ngại nữa, đó là Afghanistan có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan. Taliban có thể cho phép các nhóm như al-Qaeda hồi sinh huấn luyện và hoạt động. Tương tự, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng, nếu Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, họ có thể cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, cho ISIS và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung.
Tuy nhiên, trái lại, nhiều chuyên gia đánh giá lực lượng Taliban nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Taliban kêu gọi người dân không nên lo sợ, họ không có ý định trả thù bất cứ ai. Ngày 16/8, người phát ngôn Văn phòng chính trị của Taliban, Mohammad Naeem, khẳng định rằng Taliban không muốn bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế và họ “sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”.
Tại cuộc họp báo đầu tiên diễn ra ngày 17/8, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định, có “sự khác biệt rất lớn” giữa lực lượng Taliban bây giờ và 20 năm trước. Ông cam kết, phụ nữ tại Afghanistan sẽ được hưởng quyền lợi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có thể đi học, làm việc trong các trường học và bệnh viện. Trước đó, ông Enamullah Samangan - thành viên Ủy ban
Văn hóa Taliban nói rằng phụ nữ thậm chí có thể phục vụ trong chính quyền Taliban mới.
Như vậy, chưa rõ ràng một kịch bản nào tại Afghanistan, nhưng dư luận cho rằng, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế, góp phần mang lại hòa bình, ổn định cho Afghanistan và đảm bảo môi trường an ninh khu vực và thế giới.
Ngày 30/8/2021, một chiếc máy bay quân sự của Mỹ đã đưa những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanstan, chính thức chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài, kể từ năm 2001. Chuyến bay cuối cùng của các quân nhân Mỹ rời khỏi Afghanistan chỉ vài tuần trước dịp kỷ niệm 20 năm cựu Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến ở Afghanistan và gọi đây là cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ 21. Ông Bush đã phát động cuộc chiến sau vụ tấn công khủng bố của al-Qaeda ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ. Cuộc tấn nhằm lật đổ lực lượng Taliban được cho là đã dung dưỡng các phần tử khủng bố al-Qaeda bị cáo buộc lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công ở Mỹ. Cuộc chiến ở Afghanistan đã kéo dài và không thể kết thúc dưới thời các Tổng thống Bush, Barack Obama và Donald Trump.