Trẻ em trong dịch Covid-19: Tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần
Nói về ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh đã thay đổi cách chúng ta sống. Nhưng đối với những đứa trẻ mồ côi, bị ảnh hưởng bởi dịch thì còn hơn thế.
“Cú sốc” không một lời từ biệt
Trở thành trẻ mồ côi cả mẹ và cha chỉ sau 2 ngày, đến giờ dù đã nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước và các mạnh thường quân nhưng hai chị em Khánh Như và Đăng Huy (TP HCM) vẫn cảm thấy chới với, trống trải, chưa tin vào những gì đang xảy ra. Cũng giống Khánh Như, 4 chị em Phạm Yến Nhi ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM trở thành trẻ mồ côi cha mẹ chỉ trong chưa đầy 10 ngày. Covid-19 đã cướp đi 2 người thân yêu nhất, cuộc sống của 4 chị em bị đảo lộn hoàn toàn. Đến giờ Yến Nhi vẫn chưa thể tin rằng 4 chị em đã và đang phải trải qua những mất mát quá lớn như thế…
“Bỗng dưng” trở thành trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha và mẹ vì Covid là câu chuyện gây ám ảnh và xót xa nhất trong những ngày gần đây. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đến thời điểm này có hơn 1.500 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19, trong đó có hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS.
Trước nỗi đau này, Nhà nước, địa phương, cũng như các đoàn thể, cá nhân và xã hội đã có nhiều hoạt động nhằm kịp thời hỗ trợ cho các em ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc (Hà Nội) thì cảm giác đau khổ vì chia cắt, mất mát đột ngột quá lớn; cảm giác bất lực vì không thể làm gì để giúp người thân; cảm giác chia tay không lời gửi gắm cùng nỗi lo sợ về tương lai... sẽ gây ra khủng hoảng tâm lý với con trẻ. Bởi vậy, việc chăm sóc trẻ em mồ côi cần lưu tâm không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, đại dịch Covid-19 xảy ra không chỉ đe dọa tới sức khỏe tính mạng của các em, mà còn gây ra những hệ lụy về vấn đề sức khỏe tinh thần. Khủng hoảng về tâm lý không chỉ xảy ra với trẻ mất cha, mẹ mà còn xảy ra với những trẻ phải đi cách ly, giãn cách quá lâu vì dịch Covid-19.
“Chúng ta vẫn nói trẻ em ít bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 vì tỷ lệ tử vong thấp nhưng tôi nghĩ trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn vì dịch. Cả nước đến đầu tháng 9 có tới 11.822 trẻ em là F0, hơn 27.000 trẻ em là F1. Riêng tại TP HCM có tới 1.500 trẻ em mồ côi do Covid-19 và hàng triệu trẻ em tại các địa phương đang giãn cách xã hội, nhiều tháng không được ra khỏi nhà chắc chắn là ảnh hưởng rất lớn cả về sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần của trẻ em” - bà Linh nhấn mạnh.
Cần nhiều “lá chắn” bảo vệ trẻ
Đề cập đến những hậu quả mà trẻ em gánh phải trước dịch Covid-19, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, trẻ em mất cha, mẹ hoặc mất cả cha và mẹ do dịch sẽ là khủng hoảng về tâm lý vô cùng lớn. Còn những trẻ là F0 và đi cách ly dễ có nguy cơ bị ám ảnh và sang chấn tâm lý. Đây là chấn thương rất lớn về sức khỏe, tinh thần đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt, đối với các gia đình có người bệnh tử vong, sẽ có những khó khăn mà nhiều trẻ em gặp phải trong thời gian tới do thiếu hụt sự chăm sóc của người thân.
Trước thực tế này từ tháng 5, Cục Trẻ em đã có công văn khẩn đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn cấp phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng kịp thời triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.
Ông Nam cho biết thêm, hiện Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng được tăng cường về nhân lực, vật lực để kịp thời tập huấn, hướng dẫn, tư vấn các vấn đề cấp bách liên quan đến trẻ em như: Bảo đảm an toàn cho trẻ; phát hiện sớm và xử lý những vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ khi mắc bệnh, phải đi cách ly hoặc ở nhà thực hiện giãn cách xã hội...
“Ảnh hưởng dịch Covid-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em về sức khỏe tâm thần, chăm sóc để giảm bớt sang chấn tâm lý. Vấn đề khủng hoảng không chỉ là giải quyết cấp bách trước mắt mà còn lâu dài. Về phía địa phương, cần áp dụng ngay chính sách của nhà nước, của địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ để làm sao giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em. Và triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Quan trọng nhất lúc này là phát hiện ra những dấu hiệu sang chấn của các em (nếu có) để can thiệp kịp thời” - ông Nam chia sẻ.