Nước Đức trước sự chọn lựa mới
Bà Angela Merkel, Thủ tướng nước Đức 16 năm liền qua 4 nhiệm kỳ, đã không ra tái ứng cử lần này. Truyền thông quốc tế đưa tin ngay trong ngày Tổng tuyển cử Liên bang Đức (ngày 26/9) là “dù muốn dù không thì nước Đức vẫn sẽ phải bước vào kỷ nguyên sau Merkel”.
Trước khi cuộc tổng tuyển cử bắt đầu, các cuộc thăm dò dư luận tại Đức đều cho thấy cuộc tổng tuyển cử liên bang 2021 sẽ là cuộc đua gay gắt nhất tại Đức trong nhiều kỳ bầu cử gần đây. Tổng tuyển cử liên bang là để nước Đức chọn ra một chính phủ và một Thủ tướng mới.
Cuộc bầu cử khó đoán định
Trong một cuộc thăm dò mới nhất của Viện Forsa, cách biệt giữa Dân chủ xã hội và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã thu hẹp xuống còn 3 điểm và là cách biệt nhỏ nhất giữa hai ứng cử viên nặng ký trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức. Điều này đồng nghĩa với việc nước Đức sẽ chứng kiến một cuộc bầu cử cạnh tranh gay gắt với tỷ lệ ủng hộ khá sít sao giữa hai đối thủ chính là đảng Dân chủ xã hội và liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo, cũng như cũng khó có bất cứ đảng nào chiếm đa số quá bán của Hạ viện Liên bang của Đức để có thể tự đứng ra thành lập Chính phủ.
Nhìn lại toàn bộ chiến dịch tranh cử của các đảng phái tại Đức từ đầu năm 2021 đến nay thì cũng có thể thấy, 3 đảng SPD (đảng Dân chủ xã hội), CDU/CSU và đảng Xanh đã thay nhau dẫn đầu. Đảng Xanh, đứng đầu là bà Annalena Baerbock (41 tuổi), đã tạo nên sự chú ý rất lớn vào đầu năm 2021 khi liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cho đến tận tháng 5/2021.
CDU/CSU đã vượt lên và củng cố vị trí dẫn đầu cho đến giữa tháng 7/2021. Nhưng vụ lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại Đức vào giữa tháng 7/2021 đã đảo ngược tình thế. Ông Armin Laschet, Chủ tịch đảng CDU đồng thời là ứng cử viên thay bà Angela Merkel, đã không còn lợi thế dẫn điểm như trước, mà thay vào đó là ứng viên của đảng SPD (ông Olaf Scholz).
Vậy, kịch bản nào cho chính trường nước Đức? Theo giới quan sát chính trị Đức thì có thể đảng SPD giành 204 ghế, liên đảng CDU/CSU được dự đoán sẽ giành 185-190 ghế, còn đảng Xanh có thể giành khoảng 140 ghế. Như vậy, kịch bản “liên minh” là điều dễ thấy sau “kỷ nguyên Merkel”.
Về mặt lý thuyết, SPD đang có lợi thế hơn CDU/CSU nhưng khả năng CDU/CSU lôi kéo và thuyết phục được đảng Xanh cũng như đảng FDP (Đảng dân chủ tự do) vẫn còn. Khi đó, cho dù SPD chiến thắng nhưng kịch bản một chính phủ do CDU/CSU lãnh đạo vẫn tồn tại, dù ít. Cuối cùng, cũng không thể loại bỏ một chính phủ “Đại liên minh” giữa SPD với CDU/CSU, nhưng theo giới quan sát thì kịch bản này rất khó xảy ra.
Có 3 ứng cử viên thay thế bà Angela Merkel trong cương vị Thủ tướng mới tại Đức là ông Olaf Scholz - đại diện cho đảng SPD, ông Armin Laschet - đại diện liên đảng CDU và bà Annalena Baerbock - lãnh đạo đảng Xanh. 3 ứng cử viên này đã trải qua 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trong 3 tuần qua và kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Đức đánh giá ông Olaf Scholz vượt trội hai đối thủ còn lại. Khoảng 44% cử tri Đức ủng hộ ông Olaf Scholz làm Thủ tướng Đức, so với khoảng 25% ủng hộ ông Armin Laschet và khoảng 20% ủng hộ bà Annalena Baerbock (tính đến ngày 25/9).
Cũng cần nhắc lại, cuộc tổng tuyển cử liên bang tại Đức không phải là một cuộc bầu cử Thủ tướng Đức. Cuộc tổng tuyển cử này là để phân chia quyền lực tại Nghị viện Liên bang cho các đảng phái và mặc dù về lý thuyết, đảng nào chiến thắng thì ứng cử viên của đảng đó sẽ là Thủ tướng. Nhưng những kịch bản bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là bà Angela Merkel sẽ không rời ghế Thủ tướng Đức ngay sau ngày 26/9 bởi các đảng phái sẽ mất nhiều thời gian để thảo luận việc thành lập chính phủ liên minh mới. Năm 2017, các thảo luận này đã kéo dài tới 117 ngày.
Sức ép lớn từ “chiếc bóng” của bà Merkel”
Bất cứ ai lên thay bà Angela Merkel cũng sẽ phải chịu sức ép rất lớn bởi bà Angela Merkel đã để lại một di sản đồ sộ không chỉ cho nước Đức mà còn cho cả châu Âu cũng như các mối quan hệ địa chính trị trên thế giới.
Một cuộc khảo sát của Viện Allensbach ngay trước ngày bầu cử cho thấy, 40% trong số 1.259 cử tri được hỏi vẫn chưa quyết định sẽ lựa chọn ứng cử viên nào. Như vậy, có thể thấy cử tri Đức đang rơi vào tình thế khó lựa chọn khi Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở.
Giáo sư khoa học chính trị Thomas Gschwend thuộc Đại học Mannheim nhận xét: “Những người yêu thích bà Merkel không nhất thiết phải là người ủng hộ đảng của bà (CDU). Vì rất có thể họ nghĩ rằng không nhân vật nào vượt lên được hình ảnh của bà Merkel. Cử tri Đức đánh giá ứng cử viên của họ ở cách đối phó với những thách thức quốc tế và cách họ đứng trên sân khấu cùng với các nhà lãnh đạo thế giới chứ không chỉ trong phạm vi giải quyết những công việc của nước Đức”.
Bà Merkel đã có 16 năm dẫn dắt nước Đức, cũng có thể coi là dẫn dắt EU khi Đức được coi là đầu tàu. 9 lần được Blooberg bình chọn là người đứng đầu trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel được xem như một “tượng đài” của châu Âu. Trong sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, Thủ tướng Merkel đã để lại một di sản đồ sộ. Trong đó phải kể đến việc bà kiên quyết ủng hộ đồng tiền chung châu Âu (Euro), đưa nước Đức vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế; mở cửa cho người tị nạn từ nước ngoài vào bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia châu Âu. Và bà Merkel được cho là đã đem đến sự bình tĩnh và tự tin cho người dân Đức vượt qua đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi vì sao không tiếp tục tham gia cuộc chạy đua vào ghế Thủ tướng nước Đức bà Merkel, 67 tuổi, nói một cách đơn giản rằng: “Tôi cũng muốn viết lách, trò chuyện hay leo núi chứ. Tôi cũng muốn ở nhà, cũng thích du lịch khắp thế giới nữa”. Và “người đàn bà quyền lực” Angela Merkel từ chối những câu hỏi về di sản của mình, mà chỉ nói “tôi đã rất cố gắng”.
Bà Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg, Tây Đức, nhưng lớn lên ở vùng quê cách Berlin 80 km, thuộc lãnh thổ của Cộng hoà Dân chủ Đức. Bà theo học vật lý tại Đại học Leipzig từ năm 1973 đến năm 1978. Năm 1977, kết hôn với ông Ulrich Merkel một nhà vật lý, và lấy họ Merkel của chồng làm họ của mình. Bà Merkel cũng từng làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa Lý trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức từ năm 1978 đến năm 1989. Sau khi lấy bằng tiến sĩ vật lý, bà làm việc trong lĩnh vực hoá lượng tử. Năm 1990, được bầu vào Quốc hội, bà Merkel chính thức bước vào hoạt động chính trị. Năm 2005 bà Merkel trở thành Thủ tướng nước Đức cho tới nay với 4 nhiệm kỳ liên tục.