Một gói hỗ trợ trúng 2 đích
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, chính sách hỗ trợ cho người lao động cũng là cách hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển chung của cả nền kinh tế.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Chính phủ ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp?
Ông Trần Văn Lâm: Đây là biện pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay để hỗ trợ người lao động khó khăn, nhất là trong điều kiện quỹ đang dư hơn 90 ngàn tỷ đồng.
Tới đây, dựa trên tình hình thực tiễn, chúng ta cũng nên nghiên cứu, xem xét, rà soát để điều chỉnh các quy định của quỹ sao cho phù hợp hơn. Chúng ta động viên người dân tham gia đóng quỹ thì những lúc khó khăn họ phải được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế đang khó khăn, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động thì đây cũng là giải pháp để cung cấp tiền ra thị trường, kích cầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng các nguồn để tăng cầu.
Vậy việc hỗ trợ cho người lao động cũng là để hỗ trợ cho DN?
- Đúng vậy! Người lao động là tài sản của doanh nghiệp (DN). Nếu họ được bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống, họ sẽ là “nguồn” lao động của DN sau khi hết dịch, ở giai đoạn phục hồi sản xuất. Nếu người lao động đi chỗ khác kiếm sống, DN muốn tuyển dụng mới cũng rất khó. Chính sách hỗ trợ cho người lao động cũng là cách hỗ trợ gián tiếp cho DN. Là hỗ trợ để thúc đẩy phát triển chung của cả nền kinh tế chứ không riêng hỗ trợ cho người lao động.
Nếu như vậy việc hỗ trợ người lao động và DN cũng là giải pháp để khôi phục kinh tế, chúng ta cần triển khai thế nào, thưa ông?
- Đây chỉ là một giải pháp, không phải tất cả. Quan trọng là hỗ trợ cho đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả. Người lao động khó khăn phải được hỗ trợ phù hợp với khả năng của quỹ. Việc hỗ trợ vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng. Cho nên chỉ hỗ trợ cho những người lao động trong DN bị tác động sâu sắc của dịch bệnh. Còn đối tượng như công chức, viên chức, lực lượng vũ trang không nằm trong diện hỗ trợ lần này của chính sách. Hỗ trợ trúng và đúng thì chính sách mới có ý nghĩa.
Tại Nghị quyết 30, liên quan tới công tác phòng, chống Covid-19, Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trước khi thực hiện, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đồng ý để Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Những quy định luật chưa cho phép, khi thực hiện phải xin ý kiến Quốc hội; nhưng trong tình huống chống dịch khẩn cấp nếu đợi được phép thì việc triển khai sẽ chậm trễ, không đáp ứng yêu cầu kịp thời trong xử lý dịch bệnh. Cho nên việc Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ra Nghị quyết để Chính phủ thực hiện là hợp lý, đảm bảo tính kịp thời.
Việc sử dụng 30 ngàn tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người dân trong thời điểm chúng ta chuẩn bị bước sang quý 4 của năm 2021, liệu có ảnh hưởng tới lạm phát không thưa ông?
- Lạm phát xảy ra khi tiền nhiều hơn hàng. Nhưng nếu lạm phát ở mức nhỏ lại chính là kích thích sản xuất. Tiền hơi dư ra một chút, chứ tiền thấp hơn lại chính là thiểu phát, lúc đó sản xuất sẽ thụt lùi. Lạm phát ở mức hơn 3% là kích thích sản xuất. Đây chính là biện pháp “kích cầu” hợp lý, vừa giúp đỡ người dân, vừa vực dậy nền kinh tế. Trong giai đoạn này chắc chắn sẽ thúc đẩy sản xuất, nhưng quan trọng phải khống chế được dịch bệnh. Có như vậy các khoản này mới kích thích cùng các nguồn lực khác. Trong mấy tháng qua sản xuất bị “nén” do chịu ảnh hưởng của dịch. Bây giờ nếu khống chế được dịch bệnh sẽ là lúc “bung ra”. Vì khi dịch bệnh nguồn tiền bị “tắc nghẽn”, giờ tung tiền ra cũng là biện pháp thúc đẩy nguồn tiền để lưu thông và kích thích sản xuất.
Trân trọng cảm ơn ông!