Gỡ khó cho ngành cá tra
Đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu giảm, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động… đó là thực trạng của ngành cá tra trước tác động của dịch Covid-19.
Giới chuyên gia nhận định, để vực dậy ngành cá tra, giữa các địa phương, doanh nghiệp cần tạo được sự kết nối chặt chẽ hay nói cách khác, đẩy mạnh liên kết vùng để tạo ra giá trị bền vững.
Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng sản xuất cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng từ vùng nuôi đến nhà máy bị đứt gãy, giá cá nguyên liệu giảm, nhiều DN chưa thể quay trở lại hoạt động sản xuất đã khiến cho ngành hàng cá tra đứng trước nhiều thách thức khi người nuôi và sản xuất cá giống đang thu hẹp diện tích… Thực trạng đó đẩy ngành sản xuất cá tra trước nguy cơ thiếu nguyên liệu và con giống đầu năm 2022.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay diện tích thả nuôi cá tra chỉ còn hơn 3.500 ha, bằng 74% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, sản lượng cá tra thu hoạch trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, giá cá hiện tại đã giảm nhiều so với thời điểm trước khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đánh giá chung về hoạt động sản xuất của ngành cá tra, ông Luân nhấn mạnh, tình hình thu hoạch trong các tháng 7, tháng 8 và nửa đầu tháng 9 năm nay rất khó khăn. Nguyên do là các nhà máy chế biến giảm trên 70% công suất, dư thừa nguyên liệu từ đó dẫn đến cả chuỗi cá tra bị ảnh hưởng, bên cạnh đó, cước vận tải tăng, chi phí sản xuất “3 tại chỗ” và nhiều chi phí phát sinh khác tác động mạnh đến hoạt động của DN trong ngành.
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) do áp dụng kiểm soát dịch bệnh trên tất cả các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ảnh hưởng đến ngành thủy sản nói chung trong đó ngành cá tra bị thiệt hại lớn. Số DN đang hoạt động “3 tại chỗ” chỉ duy trì khoảng 14 đơn vị tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất khoảng 20-30%. Ngoài ra, số lượng các nhà máy thu mua cá hạn chế do không thể đi qua các vùng thu mua nguyên liệu.
Đáng chú ý, theo Vasep, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là các hộ sản xuất con giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay, do đó sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ. Thiếu nguyên liệu, các nhà máy sản xuất phục hồi muộn sẽ khiến các DN trễ các đơn hàng. Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Vasep, thực tế này sẽ khiến các DN trong ngành không dám tiếp nhận đơn hàng mới cho dịp cuối năm, thậm chí là không thể lấy được đơn hàng cho đầu năm 2022.
Trước những khó khăn mà ngành sản xuất cá tra đang đối diện, tại cuộc họp trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, “an toàn” và “linh hoạt” là 2 yếu tố mang tính sống còn hiện nay. Theo đó, bên cạnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, cần linh hoạt các phương thức, quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ sẽ điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL làm thành một thực thể kinh tế vùng, trong đó có các địa phương có ngành hàng cá tra. Ngoài ra, các địa phương cần đồng thuận với tư duy liên kết vùng trong điều kiện đặc biệt, tạo không gian kinh tế, thúc đẩy phát triển để tạo ra giá trị bền vững. “ Bản thân cộng đồng DN cũng cần phải tính tới phương án khi bình thường mới. Tôi đề nghị có sự hợp tác hết sức chặt chẽ với nhau để cùng nhau vượt qua đại dịch” – Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.
Trước những khó khăn của ngành hàng cá tra, đại diện của hiệp hội, DN, các địa phương cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đảm bảo hoạt động, sản xuất kinh doanh và thực hiện các đơn hàng cho các đối tác. Ngoài ra, cũng cần tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các địa phương có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được thuận lợi hơn, có như vậy mới giảm thiểu nguy cơ thiếu con giống, nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian tới.