Băn khoăn tìm lao động ‘xanh’

Thanh Giang 27/09/2021 07:30

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM cho biết, sẽ không có đủ 60% lao động an toàn khi làm việc trở lại. Để người lao động quay lại thành phố làm việc an toàn với dịch bệnh, TP HCM cần hợp tác với các tỉnh để tiêm vaccine. Thậm chí, có thể vận chuyển vaccine Covid-19 đi các tỉnh để tiêm cho người lao động sắp trở lại thành phố làm việc.

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch tái sản xuất khi TP HCM mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp (DN) băn khoăn hiện nay là làm thế nào để lao động các tỉnh quay trở lại nhà xưởng làm việc được an toàn, được tiêm vaccine Covid-19.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, DN có 3 nhà máy ở Thủ Đức (TP HCM) đang thực hiện “3 tại chỗ”. Tháng 7 DN duy trì sản xuất với khoảng 50% sản lượng, tháng 8 còn 20%. Hiện nay sản lượng sản xuất đang tăng trở lại với 50% sản lượng. DN đang có kế hoạch dài hơi hơn khi thành phố mở cửa nền kinh tế, song điều lo lắng chính là nguồn lực lao động.

Không chỉ đại diện Công ty nhựa Bình Minh lo ngại thiếu hụt lao động sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đau đầu không kém. Lý do, số đông công nhân về quê tránh dịch sẽ không quay trở lại thành phố làm việc. Đại diện một DN cho biết, DN có hơn 800 lao động nhưng dịch bệnh nên chỉ còn khoảng 40% lao động tham gia sản xuất. DN băn khoăn không biết lao động cũ của công ty có quay về thành phố sản xuất lại, sau thời gian dài về quê tránh dịch hay không. Và nếu họ quay lại thì tiêm vaccine thế nào.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM cho rằng, cần phải theo dõi tỷ lệ tiêm vaccine trên chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là lao động các tỉnh, thành chứ không đơn thuần là vấn đề dịch tễ. Để nhà máy an toàn hoạt động, các DN đều cho rằng cần đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động. Cho phép người lao động quay lại làm việc khi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Đồng thời, cho phép cơ chế tiêm phòng vaccine dịch vụ để DN chủ động trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không riêng lãnh đạo các DN trăn trở số lượng lao động quay trở lại làm việc và tính an toàn cho người lao động, bản thân người lao động cũng thắc mắc về vấn đề này.

“Giờ tôi muốn vào TP HCM để làm việc lại nhưng tôi chưa được tiêm vaccine Covid-19, vậy tôi phải làm sao? Nếu vào thành phố làm việc lại, thành phố hay DN có tổ chức tiêm vaccine cho người lao động hay không? Thực ra nếu cảm thấy không an toàn tôi sẽ tìm việc làm ở quê. Hiện nay thu nhập ở quê cũng khá cao trong khi đó lại không mất tiền nhà trọ, chi phí cuộc sống cũng không đắt đỏ như ở thành phố” - chị Trần Thị Hoa (quê Quảng Ngãi) chia sẻ.

Giải đáp băn khoăn của người lao động và DN, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM thông tin, Ban Chỉ đạo có phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kế hoạch đề ra là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động.

“TP HCM đã ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ở các khu chế xuất - khu công nghiệp nên hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của người lao động khá cao. Đây cũng là điểm quan trọng phục vụ cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh” - ông Ngân nói.

Nói về công tác đưa người lao động các tỉnh trở lại thành phố, ông Lê Mạnh Hà - Phó Phòng tham mưu Công an TP HCM cho rằng, quan điểm của công an thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hết mức để người dân quay về TP HCM, song phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Việc kiểm soát gắn với đảm bảo an toàn về y tế.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã xây dựng phương án phối hợp đưa người lao động về lại. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, đối tượng vận chuyển là người lao động (thuộc các DN, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP HCM, bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh - thành phố có nhu cầu trở lại thành phố. Tuy nhiên, người lao động về thành phố phải có kế hoạch làm việc (được các DN, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo); đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực.

Thanh Giang