Lượng khách đổ đến các TTTM đông, xuất hiện tâm lý chủ quan
Sau khi Hà Nội thực hiện “nới lỏng”, một số Trung tâm thương mại (TTTM) mở cửa thêm một số gian hàng thiết yếu, cửa hàng ăn uống. Lượng khách đến khá đông, nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
TTTM mở cửa thêm các cửa hàng đồ thiết yếu
Sau một thời gian đóng cửa phần lớn các cửa hàng, chỉ hoạt động siêu thị, hiện tại một số TTTM đã dần mở cửa lại các quán ăn phục vụ bán mang về và một số cửa hàng thiết yếu như đồ gia dụng, văn phòng phẩm, quần áo,… để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, tại TTTM Aeon Mall (quận Long Biên), các cửa hàng gia dụng, văn phòng phẩm được mở cửa, bày bán ngay tại sảnh của tầng 1, thu hút lượng khách khá đông. Đa phần, các cửa hàng đều áp dụng giảm giá hoặc các chương trình ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Các cửa hàng ăn uống cũng bắt đầu mở bán cho khách mang về, đông khách nhất là các cửa hàng đồ ăn nhanh và quán trà sữa.
Để đảm bảo trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch, TTTM Aeon Mall (quận Long Biên) đón khách tại 2 cửa, bố trí nhiều các bảng mã QR để khách có thể đảm bảo giãn cách khi thực hiện khai báo y tế. Toàn bộ khách hàng vào TTTM đều được đo thân nhiệt và thực hiện sát khuẩn tay.
Còn tại TTTM Savico (quận Long Biên), song song với việc mở cửa siêu thị BigC, một số cửa hàng ăn uống cũng đã mở cửa trở lại. Toàn bộ các khách hàng cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, bảo vệ kiểm tra chặt chẽ vấn đề này. Trong trường hợp khách không có máy điện thoại thông minh để khai báo online, bảo vệ sẽ ghi lại thông tin khách hàng vào sổ khai báo y tế.
Nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng dịch
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã “nới lỏng” không thực hiện kiểm tra giấy đi đường, người dân có thể chủ động di chuyển. Theo đó, lượng khách tới các TTTM, siêu thị tăng lên khá nhiều. Nhiều gia đình đã cho cả các em nhỏ đến TTTM, vừa mua sắm vừa thay đổi không khí.
Chia sẻ với PV, chị Trần Thị Bích (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại Thủ đô nên tôi và gia đình di chuyển tới TTTM để mua sắm các vật dụng cần thiết. Tôi cũng chủ động cho các con đi cùng bởi các cháu cũng đã ở trong nhà khá lâu, hàng ngày phải học trực tuyến nên các cháu cũng khá “bí bách”.
Toàn bộ các khách hàng đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong quá trình mua sắm. Tuy nhiên, tại một số quầy hàng, nhiều người cùng tập trung xem hàng vô tình đã không đảm bảo việc giữ khoảng cách. Đáng lưu ý hơn, các cửa hàng ăn uống chỉ bán đồ mang về nhưng một số khách hàng đã ăn ngay tại phía ngoài, “vô tư” bỏ khẩu trang và ăn uống. Việc này không thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lưu ý khẳng định, không có vaccine nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Kể cả tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.
Trong 8 loại vaccine phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, đến nay vaccine của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất. Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
Theo đó, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý, không phải cứ tiêm vaccine là không thể mắc bệnh hay lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, người dân được tiêm vaccine sẽ giúp không chuyển biến nặng, giảm nguy cơ tử vong. Do đó, người dân cần tiếp tục thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người và hạn chế tiếp xúc.