Nhiều chỉ số cho thấy đại dịch Covid-19 đã đạt đỉnh tại TP Hồ Chí Minh
TP HCM đã trải qua khoảng 5 tháng ảnh hưởng do bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tuy nhiên nhiều chỉ số về dịch bệnh đang giảm sâu từng ngày.
Chiều 27/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM tiếp tục họp báo thông tin diễn biến lây nhiễm dịch bệnh và công tác kiểm soát Covid-19 trong 24 giờ qua trên địa bàn thành phố.
Tham dự họp báo còn có ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện Vụ Báo chí Xuất bản, các Sở ngành của TP HCM.
Cho đến nay, thành phố đã trải qua khoảng 5 tháng bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tuy nhiên nhiều chỉ số về dịch bệnh đang giảm sâu từng ngày.
Theo ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM, số ca tử vong trong ngày tiếp tục chuỗi ngày giảm sâu, với ghi nhận 122 trường hợp. Như vậy, tổng số ca tử vong từ 1/1 đến nay là 14.500. “Sau một thời gian rất dài, đến hôm nay, số lượng bệnh nhân nhập viện đã ít hơn số bệnh nhân xuất viện", ông Hải cho biết.
Trong 24 giờ qua, số ca thở máy cũng tiếp tục giảm. Số bệnh nhân nhập viện ngày 26/9 cũng chỉ còn 2.805 ca, thấp hơn số bệnh nhân xuất viện là 2.936 ca.
Trước đó từ cuối tháng 7/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã dự báo dịch Covid-19 tại TP HCM có thể đi ngang hoặc đi lên một thời gian, sau đó sẽ giảm xuống.
Về chiến lược vaccine, TP HCM tiếp tục lập kỷ lục mới về xét nghiệm diện rộng, với hơn 1,13 triệu mẫu được lấy trong 24 giờ qua, trong đó gần 4.200 mẫu đơn và 78 mẫu gộp. Riêng số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1,12 triệu mẫu.
Thành phố gần như đã phủ 100% đối với mũi 1 vaccine phòng Covid-19. Cụ thể, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến nay là hơn 9,6 triệu mẫu (tổng số mũi 1 là 6,8 triệu, mũi 2 là 2,8 triệu). Trong đó, hơn 1,1 triệu người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho giai đoạn mở cửa, khôi phục kinh tế của TP HCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, Sở này đã đề nghị 22 địa phương rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động trở lại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn.
Trong đó, bà Ngọc cho biết, thành phố đã chuẩn bị tốt nguồn hàng cung ứng, với năng lực mỗi ngày cung ứng khoảng 300 tấn hàng về các chợ đầu mối để phục vụ người dân thành phố.
“Vấn đề đáp ứng nguồn hàng khi thành phố mở cửa trở lại sẽ không phải lo ngại lắm vì Sở Công Thương TP đã có sự chuẩn bị và làm việc chặt chẽ với các đơn vị”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết.
Về việc "rút quân" của lực lượng y tế và quân đội đang hỗ trợ TP HCM chống dịch, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, thời gian tới tùy theo tình hình dịch bệnh, TP HCM cùng Bộ Y tế sẽ có chiến lược thu gọn các Bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì lực lượng chi viện vẫn sẽ ở lại cho đến khi số bệnh nhân giảm, phù hợp với năng lực điều trị của TP HCM.
Cũng theo ông Châu, việc giảm bệnh viện dã chiến nhằm mục đích phục hồi công năng cho các cơ sở dã chiến phụ thuộc vào số ca mắc, ca bệnh nặng. Trong đó, thành phố ưu tiên phục hồi cho các bệnh viện tuyến quận, huyện để có nơi này tiếp nhận bệnh nhân không phải do Covid-19.
Hiện đã có 2 bệnh viện đa khoa quận 7 và huyện Củ Chi đã đủ điều kiện để tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải Covid-19.
Theo kế hoạch, TP HCM sẽ ban hành một chỉ thị mới để bắt đầu giai đoạn mở cửa và phục hồi kinh tế. Theo dự thảo, từ ngày 1/10, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đã ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế thành phố do một số điểm còn chưa "thông thoáng" của hướng dẫn tạm thời kể trên.