Xét xử phúc thẩm vụ án Ethanol Phú Thọ: Bác đề nghị hoãn phiên tòa của đương sự
Sau 3 lần tạm hoãn vì tình hình dịch bệnh, ngày 27/9 vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ đã được Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm.
6 bị cáo kháng cáo, được đưa ra xét xử phúc thẩm gồm: Vũ Thanh Hà (59 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB); Phạm Xuân Diệu (61 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc - PVC); Nguyễn Xuân Thủy (60 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư dự án - PVB); Khương Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Thương mại - PVB); Lê Thanh Thái (61 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh - PVB); Hoàng Đình Tâm (40 tuổi, nguyên Kế toán trưởng - PVB).
Trình bày trong phiên phúc thẩm, các bị cáo đều xin được miễn trách nhiệm dân sự. Riêng 3 bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Thủy xin được xem xét giảm khung hình phạt tội danh “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” từ khoản 3 xuống khoản 1 (Điều 224 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Bị cáo Lê Thanh Thái xin được hưởng án treo.
Đáng chú ý, 2 bị cáo: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo nên không có mặt tại phiên tòa. Ngoài ra, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) cũng có mặt tại tòa vì trước đó đã có đơn kháng cáo với những phán quyết của cấp tòa sơ thẩm về “khu biệt thự” tại Tam Đảo mà công ty này nhận chuyển nhượng từ Trịnh Xuân Thanh.
Thông tin trong vụ án thể hiện, khu đất 3.400 m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là khu biệt thự tại Tam Đảo do Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC (năm 2010), gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Năm 2011, Thanh chỉ đạo Hồng bán lại cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới - bố Trịnh Xuân Thanh đứng tên chủ sở hữu) với giá 23,8 tỷ đồng (nhưng Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đồng không trả). Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Thanh). Năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, trong đó có lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo.
Tại bản án sơ thẩm tuyên ngày 15/3/2021, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nói trên; Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC. Đồng thời, tiếp tục thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này (đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Phương) hiện lưu trong hồ sơ vụ án. Công ty Mai Phương kháng cáo, cho rằng quyết định của Tòa cấp sơ thẩm về phần dân sự liên quan đến Công ty Mai Phương không đảm bảo căn cứ pháp luật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty.
Tại phiên tòa ngày 27/9, trong phần thủ tục, phía Công ty Mai Phương đã đề nghị hoãn phiên tòa vì không có mặt luật sư. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương cũng có đơn xin hoãn tòa vì đang phải cách ly y tế theo đúng quy định. Tuy nhiên không được Tòa chấp nhận.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra trong ngày 28/9.
Trước đó, 6 bị cáo có đơn kháng cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với các mức án: Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt 6 năm, 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu 3 năm, 6 tháng tù; 3 bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng bị phạt 30 tháng tù; Lê Thanh Thái 24 tháng tù.