Giữ chân doanh nghiệp FDI cách nào?

Thuý Hằng (thực hiện) 28/09/2021 06:50

“Các DN FDI nói chung đồng thuận ủng hộ chiến lược “chung sống” an toàn với Covid-19 của Việt Nam. Họ cũng cam kết sẽ cùng chung tay hỗ trợ, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi” - TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định như vậy khi trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Dịch Covid-19 tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế, vậy việc thu hút FDI có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

TS Phan Hữu Thắng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới thì việc huy động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ có dấu hiệu giảm nhẹ. Đơn cử như dòng vốn FDI quốc tế giảm tới 40%, từ 1.500 nghìn tỷ USD xuống còn 850 nghìn tỷ USD, song thật may mắn Việt Nam vẫn duy trì được “phong độ” hấp dẫn thu hút FDI.

Về dài hạn với nhiều giải pháp mới sát thực tế, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn khả quan, chúng ta được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là nằm trong Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới vào năm 2020 là những minh chứng cho điều này.

Thu hút FDI có nhiều điểm sáng, song thực tế, nền kinh tế nước nhà cũng gặp nhiều khó khăn trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19?

- Thời gian qua, đại diện các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam cho biết, họ đồng thuận với các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời của Chính phủ Việt Nam, nhưng họ cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập. Cụ thể như giải pháp “3 tại chỗ” là không thể kéo dài, hay việc thực hiện giãn cách tại một số địa phương quá cứng nhắc, khiến quá trình vận tải lưu thông hàng hóa ách tắc, việc đi lại và ăn ở của người lao động cũng chưa được thông suốt, thuận lợi khiến sản xuất bị ảnh hưởng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng...

Cộng đồng DN nhìn chung mong muốn mọi chỉ đạo điều hành của Chính phủ cần phải được chính quyền địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, trên tinh thần thông suốt, linh hoạt và đồng bộ, tránh phát sinh sự không đồng nhất hay rào cản cho DN như thời gian qua.

Chính phủ đã và đang đưa ra các chính sách nhằm giúp các DN từng bước quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng với lĩnh vực thu hút FDI thời điểm này và trong dài hạn, theo ông cần giải pháp gì?

- Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị rà soát toàn bộ những quy định hiện hành liên quan đến đầu tư, DN, nhằm tạo một “luồng gió mới” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng tới ổn định, phát triển sản xuất cho DN và đời sống kinh doanh của xã hội. Định hướng phát triển trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, hợp tác thu hút FDI trên cơ sở cân bằng, đảm bảo quyền lợi của hai bên. Xây dựng hình thành các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phụ trợ, khu nông nghiệp công nghệ cao…Tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại.

Cạnh tranh thu hút vốn FDI tại châu Á đang ở mức cao. Với đặc điểm dòng vốn đổ vào các lĩnh vực lắp ráp nhiều hơn, tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi tài chính,... cũng không loại trừ khả năng xảy ra tình trạng dòng vốn FDI khó khăn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam có một số tích cực giúp giữ chân được DN nước ngoài. Đó là các hiệp định thương mại tự do cho phép các DN nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn; Bên cạnh đó, lao động giá rẻ và năng suất lao động đang được cải thiện. Song, về lâu dài yếu tố quyết định việc giữ chân DN FDI chính là việc liên kết DN trong nước và DN nước ngoài.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách mới thích hợp nên đã duy trì được sức cạnh tranh và mức vốn FDI ổn định ở mức được quốc tế đánh giá cao, nhưng vẫn cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng nguồn “đất sạch” để chào đón các dự án đầu tư mới. Vì thực tế, nhiều nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp được giao đất quy mô lớn, nhưng còn gặp điểm nghẽn ở khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều khi có những dự án đầu tư mới có quy mô 200-300 triệu USD muốn vào, nhưng lại không có “đất sạch” sẵn sàng cho họ xây dựng nhà máy, muốn có thì phải chờ rất lâu, nên chúng ta đã bỏ phí cơ hội. Đó là điều rất cần lưu ý, khắc phục.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thuý Hằng (thực hiện)