Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
Hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã quen “sống chung” với Covid-19 nên phương án “3 tại chỗ” cũng được các DN dần thích nghi. Thậm chí, một số DN ghi nhận hàng trăm ca F0 tại nhà xưởng nhưng vẫn xử lý để hoạt động sản xuất bình thường.
Mô hình sản xuất “2 xanh, 1 sạch”
Để chống chọi với dịch Covid-19 phương án “3 tại chỗ” đã được áp dụng tại nhiều địa phương. Ban đầu khá nhiều DN than thở về phương án này với lý do không phù hợp và tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, không ít DN có kinh nghiệm thực hiện “3 tại chỗ” một cách hiệu quả. Nhiều DN cho biết, họ đã xác định phải “sống chung” với Covid-19, và việc thực hiện “3 tại chỗ” dù tốn kém song nếu không thực hiện có thể còn tốn kém hơn.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan khẳng định: “Phương án “3 tại chỗ” có thể sẽ phải duy trì lâu hơn trong thời gian tới. Chúng tôi đang xây dựng nhà xưởng “2 xanh, 1 sạch”: Nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, công nhân sạch”. Nói về phương án “3 tại chỗ”, ông Mỹ cho biết, DN thường xuyên thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên. Ngoài ra, đơn vị có trang bị hệ thống camera hồng ngoại để theo dõi sức khỏe công nhân, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra còn tổ chức tủ thuốc DN. Trường hợp phát hiện ca nhiễm sẽ thực hiện phương án điều trị tại chỗ. “Rất may thời gian qua đơn vị chúng tôi chưa phát hiện ca nhiễm nào. “3 tại chỗ” giúp DN có cơ hội nhìn lại, xem lại khả năng chịu đựng và sức sáng tạo của công nhân”, ông Mỹ chia sẻ.
Giám đốc nhà máy như “chính trị viên”
Nhiều DN cho biết, thời kỳ dịch Covid-19 đã hình thành nên mô hình sản xuất khá đặc biệt. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” là mô hình chưa bao giờ DN nghĩ đến. “3 tại chỗ” thay đổi hoàn toàn cách quản lý nhà xưởng. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho hay, với phương án “3 tại chỗ”, hoàn toàn không còn khái niệm “giám đốc nhà máy”, thay vào đó là sự xuất hiện các “chính trị viên”. “Chính trị viên” quản lý người lao động bằng công tác tư tưởng.
“Thời điểm này, tâm lý của người lao động rất quan trọng, nên chúng tôi cố gắng không để vấn đề gì ảnh hưởng đến tâm lý công nhân” – ông Ngân nói đồng thời cho biết, việc tổ chức “3 tại chỗ” của DN khá hiệu quả. Hàng ngày, DN yêu cầu nhân viên báo cáo về tình hình sản xuất cũng như đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân,… từ đó tìm hướng giải quyết những tồn đọng.
Trao đổi về cách thực hiện “3 tại chỗ” hiện nay của nhiều DN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: DN Việt luôn giỏi ở mọi thời kỳ. Với phương án “3 tại chỗ”, dù có nhiều áp lực, song DN vẫn hoạt động tốt, vẫn tiếp tục hoàn thành các tiêu chuẩn chất lượng, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân,… Không ít DN phát hiện nhiều F0, thậm chí là hàng trăm F0 trong nhà máy mà vẫn sản xuất ổn định. “Thời gian qua, một số DN thực hiện “3 tại chỗ” khá tốt, vì vậy nếu được, nên cho DN tự chủ điều tiết công tác chống dịch bệnh Covid-19 tại nhà máy” – bà Hạnh đề xuất.
Mặc dù đã dần thích nghi với chiến lược sản xuất “3 tại chỗ”, song DN cũng bày tỏ mong muốn, công nhân sớm được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Như vậy, sẽ tạo tâm lý yên tâm làm việc cho người lao động và DN.
Đại diện 8 hiệp hội các ngành nghề như Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM,… mới đây đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ góp ý về dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19”. Đại diện 8 hiệp hội cho rằng, dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” của Bộ Y tế vẫn mang tính mục tiêu “zero Covid-19”, chứ chưa hoàn toàn là sống chung với Covid-19. Các hiệp hội kiến nghị, không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0. Nếu có F0 thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng và hoạt động tiếp….